Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
-   Giống Nông nghiệp
-   Kỹ thuật trồng trọt
      +   Cây Hồ tiêu
      +   Cây Cà phê
      +   Cây Cao su
      +   Cây lúa
      +   Cây ngô
      +   Cây khoai
      +   Cây sắn
      +   Cây mía
      +   Cây ăn quả
      +   Các loài cây họ đậu
      +   Cây rau
      +   Cây thuốc
      +   Cây hoa, cây cảnh
-   Phòng ngừa dịch hại cho cây trồng
-   Kỹ thuật canh tác nông nghiệp
-   Kỹ thuật Chăn nuôi khác
-   Thế giới Động vật
-   Thực Vật
-   Kỹ thuật chăn nuôi Gia cầm
      +   Kỹ thuật nuôi gà
      +   Kỹ thuật nuôi vịt, ngan
      +   Kỹ thuật nuôi bồ câu
-   Kỹ thuật chăn nuôi Gia súc
      +   Kỹ thuật nuôi trâu, bò
      +   Kỹ thuật nuôi lợn
      +   Kỹ thuật nuôi thỏ
      +   Kỹ thuật nuôi gia súc khác
-   Kỹ thuật nuôi Thuỷ sản
      +   Cá rô phi
      +   Cá trắm
      +   Kỹ thuật nuôi ếch, ba ba
      +   Kỹ thuật nuôi lươn
-   Công nghệ Nông thôn
-   Khoa học Nông nghiệp nói chung
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Bệnh nấm da là gì? Các nhóm bệnh và phương pháp điều trị?

 

Khí hậu Việt Nam vừa nóng vừa ẩm, rất thuận lợi cho sự phát triển của các chủng nấm, nấm tạp chủng cũng như nấm gây bệnh. Vì vậy các bệnh về nấm ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng.

Bệnh nấm da là một nhóm gồm nhiều bệnh do nhiều chủng nấm khác nhau, gây thương tổn ở da, tóc và móng. Hiện nay người ta chia các bệnh nấm ra làm 4 nhóm lớn:

- Nhóm 1: Các bệnh nấm của lớp sừng (Keratomycoses) gồm: Bệnh lang ben, bệnh trứng tóc, bệnh vảy rồng.

- Nhóm 2: Các bệnh nấm của lớp da (Dermatomycoses) gồm: Bệnh nấm bẹn (Epiderimophytie); Bệnh nấm do T. Rubrum (Rubromycose); Bệnh nấm do Trichophytie; Bệnh nấm Microsporie; Bệnh nấm Favus.

- Nhóm 3 : Các bệnh nấm do candida ở da, niêm mạc và phủ tạng.

- Nhóm 4 : Các bệnh nấm sâu

Bệnh lang ben (Pitylasis versicolor)

Tác nhân gây bệnh là Pityrosporum orbiculare (trước kia gọi là malassezia furfur) ăn vào lớp sừng của thượng bì và các lỗ chân lông.

Soi vảy lấy ở thương tổn sẽ thấy những sợi ngắn, to và những đám bào tử hình tròn hoặc hình quả lê, màu sáng. Nuôi cấy trên môi trường Sabouraud có phủ dầu olive mọc chậm và khó khăn.

Bệnh xảy ra ở những người tăng tiết mồ hôi và có những thay đổi về thành phần hoá học của mồ hôi và có bong da thuận lợi cho sự phát triển của nấm.

Bệnh hay gặp ở người lớn, ít khi có ở trẻ em dưới 7 tuổi. Tuy nhiên có thể gặp ở trẻ em suy yếu, bị e lao, bị đái đường hoặc có rối loạn về thần kinh giao cảm làm tăng tiết mồ hôi trong

thời kì dậy thì. Bệnh ít lây.

Lâm sàng và tiến triển

Bệnh bắt đầu bằng những chấm hồng, nâu hoặc trắng ở lỗ chân lông. Các chấm lớn dần, lan rộng và liên kết với nhau thành mảng, bờ nham nhở, vòng vèo. Bề mặt thương tổn có những vảy nhỏ, khi cạo bong ra dễ dàng, gọi là dấu hiệu “vỏ bào”. Thương tổn không đau, không ngứa hoặc có ngứa rất ít lúc ra mồ hôi.

Vị trí thường gặp là ở ngực, lưng, cổ, ít gặp hơn ở các chi và ở mình. Có trường hợp đặc biệt đã gặp ở bẹn và ở kẽ da. Nhờ ánh sáng đèn wood người ta phát hiện được những thương tổn ở da đầu nhưng không làm thương tổn tóc và người ta cho đó là nguyên nhân tái phát bệnh. Bệnh thường hay tái phát. Sau khi khỏi thường để lại nhiều đám mất màu tồn tại khá lâu.

Chẩn đoán thường dễ dàng trong những trường hợp điển hình. Trường hợp không điển hình người ta dùng dung dịch cồn iot 15% hoặc dung dịch anilin 1-2 % bôi vào vùng nghi có thương tổn, những mảng có nấm thường bắt màu sẫm hơn vùng da lành, hoặc dùng đèn wood để soi thấy bị thương tổn phát sáng xanh. Chẩn đoán xác định thường dựa vào xét nghiệm (soi tươi) tìm thấy sợi và bào tử nấm.

Cần chẩn đoán phân biệt với đào ban giang mai, với bệnh vảy phấn hồng gibert.

Điều trị tại chỗ: bôi các thuốc bong vảy và diệt nấm như : Dung dịch ASA aspirine 10g; salicylate Na 8.8g, cồn 70o 100ml; dung dịch rễ mận rừng 10-20%, cồn iot salixile 2%, cồn resorcin 3-5 %. Mỡ wifield, mỡ salixile 3-5 %, mỡ lưu huỳnh 10%, mỡ gricin 3-5%.

Gần đây người ta sử dụng các thuốc chóng nấm mới có kết quả tốt như kem fazol mỡ clotrimazol, kem nizoral (ketoconazole). Kem terbinafine 1 % (lamisit) trong 2 tuần. Điều trị toàn thân: uống ghiseofulvine (gricin) cũng có kết quả nhưng phải uống lâu (4-6 tuần) với liều lượng 10mg/kg cơ thể và cũng không tránh được tái phát và tái nhiễm; uống nizoral (ketoconazole) liều duy nhất 400mg có kết quả nhưng cũng hay tái phát hoặc 200mg/ngày trong 5-7 ngày.

Do có thay đổi thành phần hoá học của mồ hôi và pH da thường kiềm hơn người bình thường nên dễ mắc bệnh và hay tái phát, cho nên không nên tắm xà phòng. Nên mặc quần áo rộng thoáng, không bí mồ hôi. Cần luộc quần áo lót.

Bệnh trứng tóc (Piedra)

Bệnh hay gặp những vùng mưa nhiều, ở những nơi có khí hậu nóng và ẩm. Bệnh do Horta gặp đầu tiên ở Brazil, sau đó gặp nhiều ở Nam Mĩ. Ngoài ra cũng khá phổ biến ở Việt Nam, nhiều nhất là ở phụ nữ tóc dài và hay gội đều vào ban đêm, hoặc ở những người lao động nặng, mồ hôi ẩm ướt thường xuyên. Ngoài ra có thể gặp những súc vật thí nghiệm như chó, mèo, chuột, chuột lang, thỏ và khỉ. Bệnh thường lan tràn nở các kí túc xá, các tập thể do dìng chung nón mũ, lược, v.v…

Lâm sàng: Sợi tóc có những hạt như hạt cát dính chặt vào làm cho sợi tóc dễ đứt. Có khi một sợi có 5-7 hạt, sờ vào nhám như cát.

Căn nguyên: do nấm Piedra Hortai tạo thành xung quanh sợi tóc những hạt bầu dục hay tròn, màu đen, chắc, đường kính 2-3mm. Những hạt này là những sợi và bào tử nấm. Khi soi dưới kính hiển vi sẽ thấy những bào tử có nang, sắp xếp thành hàng 4 bào tử (piedra venezuelensis) và 8 bào tử (piedra hortai).

Cấy trên môi trường sabouround mọc lên những khuẩn lạc khô, màu đen, dính vào môi trường.

Phương pháp điều trị tốt nhất là cắt tóc, gội đầu bằng xà phòng. Có thể dùng các thuốc chống nấm : cồn salicyle 2%; dung dịch nitrofungin; dung dịch formalin 5g, axít salicyle 2g, cồn 70o 100ml, mỡ lưu huỳnh.

Bệnh vảy rồng (Tinea imbricata hay Tokelau)

Bệnh vảy rồng là bệnh nấm da gặp chủ yếu ở các nước nhiệt đới. Hay gặp ở các đão của bờ biển Thái Bình Dương. Ở Việt Nam hay gặp ở các vùng núi.

Tác nhân gây bệnh là Trichophyton concentricum. Khi soi tươi vảy lấy ở thương tổn thấy rất nhiều sợi chia thành nhánh. Nuôi cấy mọc chậm (3-4 tuần).

Lâm sàng: trên da không đỏ, không viêm thấy xuất hiện những đám hình tròn hoặc hình bầu dục màu nâu. Bong vảy bắt đầu từ giữa thương tổn nên bờ trong tự do còn bờ ngoài dính vào da. Lại xuất hiện đợt bong vảy mới từ ở giữa cho nên nhìn thương tổn có nhiều vòng bong vảy đồng tâm.

Thương tổn lan nhanh ra toàn thân lên cả da đầu và vào các móng làm cho móng dày lên và dễ gãy. Ngứa dữ dội làm bệnh nhân gãi nhiều gây nên các nhiễm trùng thứ phát.

Điều trị tại chỗ: ngâm, tắm cho sạch vảy sau đó bôi các thuốc làm bong vảy như mỡ salicyle, mỡ wifeld, dung dịch ASA, dung dịch BSI.

Điều trị toàn thân: uống griscofulvine (griein) hoặc nizoral (ketoconaxole) có tác dụng tốt. Liều lượng griein 125mg: 4 viên /ngày x 3-4 tuần, nizoral 200mg: 1 viên/ngày x 3-4 tuần. Hoặc uống sporal (ntraconazole) 100mg/ngày  trong 15 ngày.

Nấm Epidermophytie

Là một bệnh nấm ở lớp nông của kẽ da và móng, nhưng không có thương tổn ở lông và tóc. Được chia làm 2 thể lâm sàng: epidermophytie ở các kẽ lớn hay còn gọi là nấm bẹn và epidermophytie ở chân.

Nấm bẹn: Tác nhân gây bệnh là Epidermophyton inguinale var floccosum. Thường lây trong những tập thể do dùng chung giường chiếu, quần áo, xô chậu giặt, bể tắm v.v...

Bệnh gặp ở người nhiều mồ hôi, người béo, bệnh nhân đái đường. Thương tổn khu trú ở nếp bẹn, mặt trong, đùi, nách, mu, có khi ở chung quanh thắt lưng và kẽ dưới vú. Thường đối xứng.

Bắt đầu là những chấm đỏ có tính chất viêm, có vảy nhỏ như cánh bèo tấm, dần dần lan ra xung quanh thành một màng hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt đỏ, bờ hơi gờ cao, trên bờ có nhiều mụn nước và vảy da. Dần dần các mảng liên kết với nhau thành một mảng lớn có nhiều vòng cung, giữa nhạt màu và hơi xẹp xuống. Khi mới bị bệnh thường cấp tính, sau trở thành kinh diễn và phát lên thành từng đợt về mùa xuân - hè, nóng bức và ẩm ướt. Có ngứa ít.

Chẩn đoán: thường dựa vào hình ảnh lâm sàng và xét nghiệm soi tươi tìm thấy sợi nấm trong vảy cạo ở thương tổn.

Nuôi cấy trên môi trường Sabocraud, nấm mọc sau 7-15 ngày, khuẩn lạc có màu vàng chanh. Vi thể tìm thấy sợi và bào tử lớn hình giống như quả chuối xếp 1, 2, 3 bào tử ở đầu các sợi.

Cần chẩn đoán phân biệt với Erythrasma và viêm kẽ do Candida.

Điều trị: Tuyệt đối không được dùng dao hoặc một vật rắn cạo vào thương tổn. Ở giai đoạn cấp hoặc khi bị chàm hoá nên làm dịu bằng các dung dịch như dung dịch jarisch, dung dịch axit boric 3% hoặc nitrat Ag 0,25%, sau đó dùng các thuốc bong vảy và các thuốc chống nấm như: BSI 2%, ASA, nitrofungin, mycoseptin, mỡ wifield, dung dịch kiến có 10-20%, mỡ griein 3% hoặc thuốc nấm mới như kem fazlo, kem clotrimazol, kem nizoral, kem terbinafine (lamisol).

Để tránh tái phát, sau khi khỏi bệnh nên bôi lại vùng có thương tổn dung dịch BSI 2% ngày một lần hoặc hai ngày một lần trong vòng 1-2 tuần.

Trường hợp thương tổn lan rộng hoặc hay tái phát có thể dùng thuốc chống nấm bằng đường uống như: griein 125mg: 4 viên/ngày trong 10-15 ngày, hoặc nizoral (ketoconazole) 200mg/ ngày trong 10-15 ngày, hoặc lamisil (terbinafino) 250mg/ngày trong vòng 10-15 ngày hoặc sporal (itraconazole) 10mg/ngày trong vòng 10-15 ngày.

Phòng bệnh: Giữ gìn các kẽ da sạch sẽ, khô ráo. Đối với người nhiều mồ hôi, sau khi điều trị khỏi dùng bôi theo công thức sau đây để xoa các kẽ ngày 2 lần: axit salicylic 2g, tanin 3g, bột tale 100g. Luộc quần áo lót.

Epidermophytie ở chân: Bệnh rất phổ biến ở những vận động viên bơi lội, công nhân hầm, lò, công nhân các ngành phải sử dụng ủng thường xuyên. Bệnh thường gặp ở người ra mồ hôi chân và các ngón chân khép khít vào nhau, giầy dép chật gây trợt da và nhất là có thay đổi hoá học trong thành phần của mồ hôi là cho pH da trở nên kiềm.

Tác nhân gây bệnh là Epidermophyton mentargrophytes var mtereligitale.

Bệnh rất hay lây nhất là ở những nhà tắm công cộng, các bể bơi hoặc do dùng chung giầy, tất, ủng.

Các sợi nấm và bào tử nấm rất nhiều trong các vảy lấy ở thương tổn...

Có 4 hình thái lâm sàng:

- Hình thái bong vảy ở lòng bàn chân: vảy bong từng đám nhỏ hoặc thành mảng lớn. Ngứa nhẹ, liên tục. Nhưng nhiều khi bệnh nhân không biết và đấy là nguồn lây bệnh cho người khác. càng ngày bệnh nặng hơn và có thể chuyển sang hình thái tổ đỉa.

- Hình thái viêm kẽ: Có thể tiên phát hoặc thứ phát sau hình thái bong vảy. Thương tổn bắt đầu từ các kẽ ngón chân, hay gặp nhất là kẽ 3-4, rồi lan sang các kẽ khác, lan đến mặt dưới các ngón chân và lên cả mu chân. Trong các lẽ có các vết nứt da chung quanh vết nứt mủn trắng. Chảy nước và ngứa nhiều.

Bệnh tiến triển dai dẳng, đỡ về mùa đông, nặng lên về mùa nắng. Thường kèm theo nhiễm trùng thứ phát gây nên viêm quầng hoặc viêm bạch mạch kinh điển và viêm tắc tĩnh mạch.

- Hình thái tổ đỉa: Lòng bàn chân nổi những đám mụn nước sâu nhỏ bằng đầu đanh ghim. Các mụn nước liên kết với nhau thành các bọng nước lớn. Bệnh có thể lan lên rìa bàn chân. Ngứa và đau. Có bội nhiễm thứ phát, các mụn nước trở thành đục, vỡ ta và có thể kèm theo viêm bạch mạch và viêm hạch.

- Hình thái viêm móng: Bắt đầu từ bờ tự do hoặc bờ bên của móng xuất hiện những chấm trắng. Dần dần móng sẽ dày lên màu vàng bẩn, dễ gãy. Dưới móng có dày sừng. Có khi móng lại mỏng đi và bóc tách khỏi nền móng.

Chẩn đoán xác định thường dựa vào hình thái lâm sàng và xét nghiệm soi tươi tìm thấy sợi nấm.

Điều trị: thay đổi tuỳ theo hình thái lâm sàng và tiến triển của bệnh.

Ở giai đoạn cấp tính điều trị giống như chàm cấp: đắp dung dịch jarisch, dung dịch thuốc tím 1/10.000, nước muối đẳng trương và các loại kem, thuốc hồ như: kem kẽm, hồ brocq.

Qua đợt cấp mới dùng các thuốc chống nấm như mỡ griein, mỡ clotrimazole, kem fozal, mỡ amorolfine. Kem nizoral, kem lamisil.

Điều trị toàn thân lúc đầu cũng dùng các thuốc kháng histamine tổng hợp, sinh tố C, calcium. Uống griein với liều 10mg/ kg cơ thể trong 3-4 tuần. Nếu có viêm móng nên bóc móng bằng uré - plaste và dùng griein 3 tháng theo phác đồ sau:

- Tháng thứ 1: 4 viên/ngày x 30 ngày.

- Tháng thứ 2: 4 viên/ngày x 15 ngày (uống 1 ngày nghỉ 1 ngày)

- Tháng thứ 3: 4 viên/ngày x 8 ngày (mỗi tuần uống 2 ngày).

Đối với nấm móng tay: thường sau 3 tháng móng ra lại tốt hoàn toàn. Nhưng đối với móng chân thì phải kéo dài hơn, đến 4 tháng hoặc với liều lượng mỗi tuần uống 2 ngày như trên hoặc dùng ketoconazole (nizoral) 200 mg/ngày trong 3-4 tuần hay itraconazole (sporal) 100 mg/ngày trong 3-4 tuần. Nhiều tác dụng phụ nên ít dùng cho nấm móng. Hoặc terbinafine (lamisil) ít tác dụng phụ và rút ngắn thời gian điều trị đối với nấm móng. Liều lượng 125-250mg x 2-6 tuần đối với nấm chân (tincapedis), nấm da nhẵn và nấm Cadida ở da; 6 tuần - 4 tháng đối với móng tay, móng chân

Bệnh nấm Trichophyton rubrum (Rubromgcose)

Là bệnh phổ biến nhất và dễ lây. Trước gặp nhiều ở Châu Á, Trung Đông gần đây đã lan ra các nước Châu Âu và Châu Mĩ.

Bệnh gặp nhiều ở người da khô, dày sừng vì kém sức đề kháng của lớp sừng và của những sợi lông. Người ta thường thấy có rối loạn về nội tiết và thần kinh giao cảm làm cho quá trình bệnh lan tràn ra toàn thân. Các thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch và ức chế phân chia tế bào đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của bệnh nấm Rubromycose.

Bệnh có nhiều thể lâm sàng

Rubromycose ở chân: Bắt đầu ở các kẽ chân, khác với Epidermophytie là hầu như các kẽ bắt đầu cùng một lúc. Sau đó lan đến da lông bàn chân làm cho da dày lên, hô, các nếp da nổi rõ, hơi bong vảy. Bệnh lan đến rìa bàn chân và cả mu chân, các ngón và các móng chân.

Rubromycose ở móng - hay gặp nhất: Bắt đầu từ bờ tự do hoặc bờ bên. Các móng bị thương tổn cùng một lúc hoặc bắt đầu chỉ 1, 2 móng rồi nhanh chóng lan ra các móng khác. Móng bị thương tổn theo 3 thể : Thể dày sừng: móng tay cộp lên, có 1 khối sưng mủn ở dưới móng; Thể teo : móng mỏng đi và dễ gãy; Thể bình thường : móng không thay đổi hình dạng nhưng trở nên trắng đục và dễ gãy.

Rubromycose lan tràn toàn thân: Thông thường là tiếp theo sau một thương tổn khu trú ở da hoặc thương tổn móng trên một bệnh nhân có rối loạn về thần kinh, nội tiết hoặc sử dụng nhiều kháng sinh, corticoide hoặc thuốc ức chế phát triển tế bào.

Có nhiều hình thái lâm sàng:

- Hình thái thành sẩn sâu giống hồng ban nứt, hồng ban rắn Brazin hoặc giống á lao sản hoại tử.

- Hình thái ở các nếp bẹn, kẽ mông, kẽ dưới vú có màu đỏ vàng hoặc nâu, bờ nổi gờ cao, ngoài các mụn nước còn thấy các sẩn đỏ.

Điều trị các thương tổn ở da, ở lông bàn tay bàn chân chỉ dùng các thuốc làm bong vảy.

Thương tổn ở các kẽ thường cho các dung dịch sau castellani, nitrofungin, cồn iot 2%, các mỡ chống nấm như mỡ griein, kem fazol, mỡ clotrimazol, v.v... Trong thể lan tràn toàn thân cần kết hợp với thuốc chống nấm như griein 0,125 dùng 4-6 viên/ngày trong vòng 3-4 tuần, hoặc nizoral 200mg/ngày trong 10-20 ngày, lamisil (terbinafine) 250mg/ngày trong 3-4 tuần.

Thương tổn móng thì nên bóc móng bằng phương pháp đắp thuốc làm mềm móng rồi b1oc nhẹ nhàng không gây thương tổn đến móng, đồng thời cho uống griein hoặc nizolral, lamiste theo phác đồ sau:

* Phác đồ với griein

- Tháng thứ 1: 4 viên/ngày x 30 ngày   

- Tháng thứ 2: 4 viên/ngày uống cách ngày

- Tháng thứ 3: 4 viên/ngày uống tuần 2 lần.

* Phác đồ đối với nizoral

200-500 mg/ngày trong 6 tuần đến 4 tháng

* Phác đồ đối với sporal (itraronazole)

200mg/ngày trong 6 tuần.

Bệnh trichophytie

Về phương diện lâm sàng người ta chia làm 3 hình thái: hình thái nông, hình thái kinh diễn và hình thái thâm nhiễm và mưng mủ. Mỗi hình thái có thể gây thương tổn ở tóc, da nhẵn hoặc ở móng. Thông thường thì kết hợp nhiều thương tổn, ví dụ như da đầu (tóc) và da nhẵn hoặc da đầu, da nhẵn và móng.

Trichophytie nông và trichophytie kinh diễn đều gây nên do cùng một loại nấm gọi là nấm có nguồn gốc từ người (anthropophiles) gây thương tổn da và móng của người, đối với tóc nấm có thể chui sâu vào trong lòng sợi tóc (T.endothrix) và gây một phản ứng viêm không rõ rệt lắm. Nhóm này bao gồm các chủng nấm T. violaceum và T. tonsurans var. crateriforine.

Trichophytie thâm nhiễm và mưng mủ hay còn gọi là nấm súc vật (zcophile) gây nên do các chủng nấm có nguồn gốc từ súc vật truyền cho người (zooanthropophiles). Các loại nấm này gây thương tổn ở các nấm bao quanh sợi tóc (T. eetothrix) và gây một phản ứng viêm ở nhiều mức độ khác nhau, có thể rất ít, cũng có thể rất trầm trọng xâm chiếm các tổ chức dưới da. Nhóm này bao gồm các chủng nấm T. mentagrophyres var. gypseum và T. verrucosum var. faviforeme.

Người ta chia nhóm này ra làm 2 loại:

T. eetothrix microides (bào tử nhỏ) thường gây thương tổn ở các súc vật nhỏ như chuột, chỏ, chuột lang,v.v...

T. eetothrix megaspore (bào tử lớn) thường gây thương tổn ở các súc vật nuôi trong nhà như trâu, bò, ngựa.

Biết được chủng nấm gây bệnh sẽ giúp cho vần đề điều trị hợp lí và phòng bệnh một cách khoa học.

Sự lây truyền nấm từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc bệnh gián tiếp qua các dụng cụ, vật dùng bị nhiễm nấm như lược, mũ nón, kéo cắt tóc, gối, v.v...

Trichophytie nông ở trẻ em thường do các bà mẹ hoặc bài bị bệnh trichophytie kinh diễn truyền cho.

Các bệnh nấm có nguồn gốc từ súc vật có thể lây trực tiếp từ súc vật bị sang người hoặc gián tiếp do lông súc vật bị bệnh vương vãi vào chăn chiếu

v.v...

Trichophytie nông: Bệnh thường gặp nhiều ở tuổi học trò và cả những lứa tuổi khác. Trong số trẻ em bị bệnh này thì có từ 40-50% là lây từ người lớn như mẹ hoặc bà. Vì vậy bệnh có tính chất gia đình.

Bệnh trichophytie nông có thể gây thương tổn ở da đầu, da nhẵn và móng.

Ở da đầu còn được gọi là nấm tóc do trechophyton (teigne trichophytie) biểu hiện là những đám bong vảy to hoặc nhỏ, không có tính chất viêm rõ rệt, ranh giới không rõ ràng hình không đều đặn. Đôi khi chung quanh thương tổn có thể có mụn nước, mụn mủ và vảy tiết. Tóc gãy không đồng đều, chỉ thấy thưa hơn, 1 một số sợi gãy thấp cách mặt 1-2 mm, tóc uốn cong thành hình dấu hỏi(?). Thường trên đầu có nhiều đám thương tổn nhưng đôi khi cũng có một thương tổn lớn. Không có triệu chứng cơ năng gỉ rõ rệt. Nếu không được điều trị bệnh có thể kéo dài nhiều năm và biến thành trichophytie kinh diễn hoặc tự khỏi (thông thường đối với đànông). Ở đàn ông trưởng thành trichophytie nông có thể gây thương tổn ở râu và hình ảnh lâm sàng tương tự như ở đầu.

Ở da nhẵn bệnh thường khu trú ở mặt, cổ, cẳng tay và người đôi khi lan tràn cả toàn thân. Thương tổn là những dát đỏ giới hạn rõ ràng, hơi gờ cao hơn mặt da, bờ tròn đều hình tròn hay hình bầu dục, trên bờ có những mụn nước và vảy. Trung tâm thương tổn nhạt màu hơn và bong vảy. Các thương tổn có thể liên kiết với nhau thành một hình kì dị.

Triệu chứng cơ năng không rõ rệt. Đôi khi có ngứa ít. Bệnh cũng thường gặp ở trẻ em.

Bệnh ở móng, thường gọi là nấm móng do trichophytie hay gặp ở ngón tay. Bắt đầu tử bờ tự do, hiếm khi ở chân móng, lan dần trogn nhiều tháng ra toàn bộ móng. Móng trở nên dày cộm lên dễ mủn và có xám bẩn, dưới móng có dày sừng. Thường nhiều móng bị thương tổn và quá trình tiến triển kéo dài trong nhiều năm.

Trichophytie kinh diễn: Bệnh cũng gây nên do cùng các chủng nấm như trong trichophytie nông.

Bệnh bắt đầu từ lúc còn bé, biểu hiện là trichophytie nông nhưng đã có những nét đặc biệt hư những :chấm đen” hoặc đôi khi thể hiện là kinh diễn ngay. Yếu tố quan trọng trong căn sinh bệnh là rối loạn nội tiết, rối loạn của hệ thống thần kinh giao cảm, thiếu sinh tố nhất là sinh tố A. Bệnh hay gặp ở phụ nữ, 80 số bệnh nhân.

Người ta chia ra trichophytie kinh diễn ở da đầu, ở da nhẵn và ở móng.

Ở da đầu bệnh thường khu trú ở vùng đỉnh đầu và 2 bên thái dương, có những đám bong da lan tỏa hoặc khu trú trong đó tóc bị gãy. Đặc biệt là tóc gãy rất thấp, sát mặt da, đôi khi trở thành những chấm đen khó phát hiện nhất là đối với phụ nữ tóc nhiều và dài. Vì vậy, cần phải khám thật tỉ mỉ. Các chấm đen này có khi tồn tại nhiều năm và nguồn lây cho con cháu, đôi khi phát thành dịch. Khi phát hiện một em bé bị nấm tóc do trichophytie, cần phải khám mẹ hoặc bà của bé để phát hiện nguồn lây.

Ở da nhẵn bệnh thường khu trú ở cẳng chân, mông, đầu gối, cẳng tay, ít khi ở mặt và ở mình, Ranh giới thường không rõ ràng. Màu hơi xanh, có nhiều vảy da hay nhầm với đám chàm kinh diễn.

Tiến triển kinh diễn, dai dẳng vì thương tổn cả các lông tơ nằm trong đám thương tổn, kèm theo thương tổn da đầu và móng.

Triệu chứng cơ năng không có gì đặc biệt, đôi khi ngứa nhẹ.

Khu trú vào lòng bàn tay chân chỉ thấy dày sừng và bong da từng mảng giống như trong tổ đỉa kèm theo thương tổn móng. Thương tổn móng gặp trong 1/3 số bệnh nhân bị trichophytie kinh diễn. Móng dày lên, mấp mô, màu xám bẩn, dễ mủn bờ tự do bóc tách khỏi sàng máng.

Trichophytie thâm nhiễm và mưng mủ (trichophytie infilltrative suppurative): Bệnh này gây nên do ác loại nấm có nguồn gốc từ súc vật. Nấm từ súc vật lây sang người và gây nên ở người một phản ứng viêm ở nhiều mức độ khác nhau.

Bệnh xảy ra nhiều ở các trại chăn nuôi súc vật, ở những người chăn dắt trâu, bò. Bệnh có thể lây trực tiếp từ súc vật sang người hoặc gián tiếp qua rơm rạ thân cây ngô mà súc vật ăn.

Căn nguyên là do T. mentagrophytes var, T. verrucosum, T. faviforue ở súc vật lớn hoặc T. gypseum ở súc vật bé như chuột, thò, v.v...

Có nhiều thể lâm sàng

Thể mưng mủ ở da đầu: bắt đầu thấy xuất hiện những mụn mủ đứng riêng lẽ trên 1 nền đỏ và thâm nhiễm, đóng vảy tiết. Cậy vảy thấy ở mỗi lỗ chân tóc là 1 hố lõm, ấn vào mủ chảy ra từ các hố lõm ấy. Bề mặt của thương tổn là một đám lỗ chỗ trông giống như một tổ ong nên mới có tên là kerion de celse.

Thể mưng mủ ở râu cũng có những đám thương tổn giống như ở đầu nhưng thường bé hơn. Trong thể nặng, sờ vào tổn thương rất thâm nhiễm và rất đau kèm theo các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt, nhức đầu, các hạch vùng lân cận sưng đau.

Thể mưng mủ ở da nhẵn là một đám thâm nhiễm giới hạn rõ ràng với da lành, hình tròn, thâm nhiễm và phủ vảy mỏng hay vảy lá. Trên bề mặt có nhiều mụn nhỏ và vảy tiết, lan dần ra chung quanh có khi lên đến 5 cm đường kính. Có thể tự khỏi sau vài tuần, để lại đám thâm da hoặc sẹo teo da.

Cần chẩn đoán phân biệt: Nấm tóc do microsporie: Tóc gãy cao. Gãy đồng đều. Tìm nấm: bào tử nấm nhỏ bao quanh sợi tóc, sắp xếp lộn xộn.

Nấm tóc do favus: Tóc không gãy. Chân tóc phủ vảy tiết. Cậy vảy tiết bộc lộ một hố lõm hình godet. Có mùi hôi đặc biệt.

Da đầu: Bong vảy lan tỏa, không có ranh giới rõ ràng. Không ảnh hưởng đến tóc.

Chẩn đoàn xác định : Dựa vào hình ảnh lâm sàng: xét nghiệm soi tươi trong dung dịch KOH 10-30% tìm thấy sợi nấm và bào tử nấm (soi sợi tóc); nuôi cấy và định loại nấm.

Điều trị : Đối với nấm da nhẵn chỉ cần điều trị tại chỗ bằng cồn BSI 2% ASA, mỡ griein, kem clotrimazol, kem ketoconazole, kem bifonazole (lamisil). Trường hợp lan rộng, dai dẳng có thể dùng thuốc uống ketoconazole 200mg/ngày 10-15 ngày, lamisil 250 mg/ngày trong 10-15 ngày, itraconazol 100 mg/ngày trong 15 ngày.

Đồi với thể mưng mủ: nếu có các apxe cần rạch, tháo mủ và không bóc móng.

Đối với nấm móng có thể bóc móng hoặc không.

Không bóc móng

- Griein 125mg x 4 viên/ngày x 3 tháng đối với móng tay

- 4 viên/ngày x 6 tháng hoặc hơn đối với móng chân.

- Ketoconazole 200 mg/ngày x 4-6 tuần với móng tay.

- Itraconazole 200 mg/ngày x 6-8 tuần.

Bóc móng bằng hoá chất (ure - phaste)

Uống thuốc sau khi đã bóc móng. Uống trong 3 tháng đối với mp1ng tay, 3-6 tháng đối với móng chân.

- Tháng 1: griein 125mg x 4 viên/ngày x 30 ngày.

- Tháng 2: griein 125mg x 4 viên/ngày x 15 ngày (uống 1 ngày nghỉ một ngày).

- Tháng 3: griein 125mg x 4 viên/ngày x 8 ngày (uống mỗi tuần 2 lần).

Đối với móng chân tiếp tục uống mỗi tuần 2 lần cho đến khi móng ra hoàn toàn.

Bệnh microsporic

Cũng giống như trichophytie, tác nhân gây bệnh gồm 2 nhóm:

Nhóm có nguồn gốc từ người lây từ người sang người gồm microsporum ferrugineum và microsporum audouini.

Nhóm có nguồn gốc từ súc vật lây sang người như microsporum caniis var, lanosum phổ biến là từ chó hoặc mèo lây sang người.

Sự lây truyền có thể trực tiếp từ người bệnh sang hoặc gián tiếp từ các đồ dàng bị nhiễm nấm.

Đối với nhóm nấm có nguồn gốc từ súc vật thì sự lây truyền từ người bệnh sang người lành có thể xảy ra rất hiếm, đa số trường hợp lây từ chó hay mèo bị bệnh sang người. Cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng bị nhiễm nấm như đồ chơi, gối, tã lót, khăn trùm đầu, mũ.

Bệnh microsporie là bệnh chủ yếu của trẻ em. Đến tuổi dậy thì bệnh có thể tự khỏi. Nhưng ở người lớn thường gây thương tổn ở da nhẵn.

Bệnh nấm có nguồn gốc từ người: Ở trên da đầu có nhiều ổ thương tổn nhỏ, bờ không đều đặn, ranh giới không rõ ràng rất giống như trichophytie nông, nhưng khác là các thương tổn này có nhiều hướng liên kết lại để tạo thành một thương tổn lớn bờ nhiều vòng cung, bong vảy vừa màu hơi hồng. Bệnh còn có xu hướng khu trú vào vùng rìa chân tóc (một nửa ở vùng có tóc, một nửa ở vùng da nhẵn). Thường các thương tổn có hình tròn đồng tâm. Dày sừng chân tóc làm phân biệt với trichophytie nông. Tóc lại gãy cao hơn mặt da khoảng 5-8mm và chân tóc còn lại được bao bọc những vảy trắng như chân tóc bị nhúng vào bột.

Nếu khu trú ở vùng da nhẵn các ổ thương tổn có giới hạn rõ ràng hình dạng kì dị, hoặc đồng tâm những sợi lông tơ trong vùng cũng bị thương tổn làm khó khăn cho việc điều trị.

Bệnh nấm co 1nguồn gốc từ súc vật: Biểu hiện là những thương tổn riêng lẽ hình tròn hay bầu dục, ranh giới rõ ràng, phủ 1 lớp vảy màu xám dễ bong. Trong đám thương tổn tóc gãy đồng đều cách mặt da 5-8mm. Chân tóc còn lại có thể thấy 1 bao trắng chung quanh, đấy là những bào tử nấm. Tính chất viêm biểu hiện rõ làm cho thương tổn có màu hồng. Đôi khi đỏ và thâm nhiễm hơn kèm theo các mụn mủ và vảy tiết mủ. Có thể kèm theo các biểu hiện toàn thân như sốt, đau mình mẩy, sưng hạch vùng lân cận.

Ở vùng da nhẵn thương tổn là những đám hình tròn hoặc bầu dục màu đỏ phủ vảy da màu xám. Bờ hơi gồ cao và có thể có các mụn nước riêng lẽ nhiều vảy tiết và vảy da. Hay khu trú vào vùng hở như cổ, mặt, phần trên ngực, chi trên. Đôi khi có hàng chục thương tổn, đặc biệt hay gặp trong microsporie có nguồn gốc từ súc vật khu trú ở vùng da nhẵn.

Chẩn đoán: Cần phân biệt với trichophytie nông ở da đầu: tóc gãy thấp hơn, gãy không đồng đều; không có hiện tượng viêm, giới hạn không rõ ràng lắm.

Chiếu ánh sáng đèn wood microsporie có phát quang màu vàng xanh. Với M. ferrugineum có màu xanh lá cây còn M. caniis có màu xanh nhạt hoặc trắng.

Chẩn đoán xác định thường dựa vào xét nghiệm nấm: Soi tươi: Lấy vảy ở các thương tổn vùng da nhẵn; Lấy chân tóc còn lại ở thương tổn ở da đầu. Ngâm vào dung dịch KOH hoặc NaOH 10-30%, trung bình 20%. Để 1-2 giờ hoặc hơ nóng, không để sôi. Đối với tóc không nên hơ nóng.

Dưới kính hiển vi sợi nấm có màu sáng xanh, chia thành đốt thường nằm trên các tế bào sừng trong các vảy da. Trong thương tổn tóc có thể thấy bào tử nấm xếp thành chuỗi như hạt cườm nằm trong lòng sợi tóc (endothrix), đối với các chủng nấm có nguồn gốc từ người lây sang người, hoặc là những bào tử nhỏ xếp lộn xộn bao quanh sợi tóc như trong microsporie. Hoặc bào tử ếp thành chuỗi nhưng nằm ngoài sợi tóc (ectothrix) như trong trường hợp trichophytie thâm nhiễm và mưng mủ do các chủng nấm có nguồn gốc từ súc vật lây sang người.

Nuôi cây và định loại nấm.

Các thương tổn ở da nhẵn chỉ cần điều trị tại chỗ bằng một trong các thứ thuốc sau đây: ASA, cồn BIA, kem clotrimazol; kem fajol, kem nizoral (ketoconazole); kem lamisil (bifonazole).

Các biệt dược chống nấm ngày một nhiều và có tác dụng tốt nhưng sử dụng phải đúng giai đoạn của bệnh và kết hợp với vệ sinh phòng bệnh.

Những trường hợp nấm da lan tỏa, nấm tóc và nấm móng cần sử dụng thuốc bôi kết hợp với thuốc như:

Griseofeloine (griein) 10-11mg/kg trong vòng 2-4 tuần, nấm móng thì phải 6-8 tuần.

Lamisil 250 mg/ngày trong 2-4 tuần, hoặc 6-8 tuần với nấm móng.

Nizoral (ketoconazole) 200 mg/ngày trong vòng 2-4 tuần hoặc 6-8 tuần với nấm móng.

Sporal (itraconazole) 200 mg/ngày trong 2-4 tuần hoặc 6-8 tuần với nấm móng.

Bệnh favus

Bệnh có từ lâu đời, phổ biến ở những nước nghèo nàn lạc hậu, trình độ vệ sinh thấp kém.

Tác nhân gây bệnh là các chủng nấm như trichophytie (Achorion) Schonleinii nằm trong lòng sợi tóc.

Bệnh lây ít. Thời kì ủ bệnh 2-3 tuần. Tiến triển kinh diễn. Có thể lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành hoặc gián tiếp qua các đồ vật bị nhiễm nấm như quần áo, chăn chiếu, đồ chơi, v.v...

Bệnh lây thương tổn chủ yếu ở đầu, có thể ở móng và rất hiếm ở da nhẵn.

Bệnh hay gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng, hoặc có những rối loạn về nội tiết, về tiêu hoá, bị các bệnh nhiễm khuẩn.

Bệnh favus ở da đầu có thể có 3 hình thái lâm sàng khác nhau.

Hình tháo gô đê: Chân tóc hơi đỏ phủ một lớp vảy màu vàng. Cạy vảy lên thấy 1 hố lõm hình gô đê, khi lành để lại sẹo lõm. Tóc không bị gãy, vẫn dài nhưng khó mất vẻ bóng nhoáng. Có mùi hôi đặc biệt như mùi chuột chù.

Hình thái bong vảy mỏng. Có những vùng da hơi viêm đỏ, bong vảy nhỏ, mỏng và nhiều guống như trong bệnh da đầu.

Hình thái giống chốc: Các lỗ chân lông bị viêm thành một mụn mủ ở chân lông trên phủ vảy tiết màu vàng giống chốc.

Bệnh favus da nhẵn thường tiếp theo favus ở da đầu. Trên một vùng da cũng tạo thành những hố lõm hình gô đê điển hình và thường to hơn ở da đầu hay liên kết lại thành một đám giới hạn hoặc lan rộng.

Trong hình thái bong vảy mỏng thường thấy một đám đỏ da bong vảy có xu hướng lan ra xung quanh, kèm theo các mụn mủ ở lỗ chân lông như viêm lỗ chân lông và không để lại sẹo sau khi khỏi.

Viêm móng do favus có đặc điểm là tiến triển rất chậm. Bắt đầu thấy ở giữa móng có 1 chấm màu nâu tồn tại khá lâu và những khía dọc, liên kết lại với nhau và lan rộng ra cả móng. Thường gặp ở móng tay. Móng bị phá huỷ không trầm trọng như trong các bệnh móng khác.

Chẩn đoán xác định không khó khăn lắm trong hình thái gô đê điển hình. Nhưng trong những hình thái không điển hình chẩn đoán phức tạp hơn.

Cần chẩn đoán phân biệt với chàm da đầu và với chốc. Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm soi tươi tìm thấy nấm.

Điều trị tại chỗ: Cho các thuốc làm bong vảy và chống nấm: cồn BSI 2%, mỡ griein, mỡ salicylé 5%, kem clotrimazol, kem nizoral, kem fazol, kem terbinafine (lamisil).

Cho uống 1 trong các thứ thuốc sau:

- Griein 125mg x 4 ngày 2-3 tuần.

- Nizoral 200mg (ketoconazole) 200mg/ngày 10-15 ngày.

- Sporal (itraconazole) 200mg/ngày 10-15 ngày.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Đào

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình