Hở ống động mạch là “bệnh tim bẩm sinh loại trắng”. Bệnh hình thành như sau: ống động mạch là ống mạch máu nối động mạch chủ với động mạch phổi thường tự đóng kín lại trong một thời gian nhất định từ một tuần đến vài ba tháng sau khi đức trẻ ra đời và trở thành dây chằng động mạch. Một số tác giả cho rằng ống động mạch chỉ đóng kín hoàn toàn vào cuối năm thứ nhất sau khi đẻ. Nếu sau thời gian ấy ống động mạch vẫn tồn tại, không tự đóng kín lại được bởi một nguyên nhân nào đó thì đó sẽ phát sinh hiện tượng rối loạn tuần hoàn.
Như vậy, sự tồn tại của ống động mạch trong cuộc sống của thai nhi khi còn trong bụng mẹ là hiện tượng sinh lí bình thường, nó chỉ trở thành bệnh lí khi ống động mạch không tự đóng kín sau khi đức trẻ ra đời. Trong trường hợp này, thương tổn bệnh lí kể trên được gọi là bệnh hở ống động mạch hoặc còn ống động mạch.
Trước đây, một số tác giả gọi ống động mạch là ống Botal. Tên gọi này thiếu chính xác, vì người đầu tiên về ống động mạch không phải là Botal mà là Galen, thế kỉ XI.
Bệnh hở ống động mạch chiếm khoảng 6-34% tổng số bệnh tim bẩm sinh. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ. Có ý kiến cho rằng có sự liên quan giữa bệnh này với bệnh sởi, bệnh nổi ban ở người mẹ trong những tháng đầu của thai nghén. Một số tác giả cho bệnh này là một dị dạng trong sự phát triển giải phẫu học ở thai nhi (Langer, 1857; Walkholff, 1869) hoặc sự bất thường về tương quan giải phẫu giữa ống động mạch và các cơ quan trong lồng ngực khi hai phổi bắt đầu hoạt động, dãn nở ra sau khi sinh (Schanz, 1889; Gerard, 1990). Có tác giả lại cho rằng ống động mạch không đóng kín là do lỗ bầu dục của vách liên nhĩ đóng kín khá sớm (Haring, 1955; Gedenw V. N. 1961). Cũng có tác giả cho rằng do đoạn động mạch chủ bị hẹp ở nơi có ống động mạch do đó tạo ra tình trạng thiếu oxy tương đối ở nơi đây và sự kích thích mang tính chất hoá học này đã làm cản trở sự đóng kín ống động mạch sau sinh.
Sự thay đổi về huyết động học của bệnh hở ống động mạch diễn biến như sau: lúc đầu, tâ, thất trái phải làm việc bù trừ, đập nhanh và đập mạnh hơn bình thường, do đó thành của nó bị dày ra (phì đại). Số lượng máu từ động mạch chủ có áp lực cao chảy qua ống động mạch sang động mạch phổi có áp lực thấp đôi khi rất lớn, chiếm 30-75% toàn bộ số máu lưu thông trong cơ thể tuỳ theo kích thước rộng hẹp của ống động mạch. Kích thường ống động mạch càng to thì mức độ rối loạn tuần hoàn càng nặng. Nếu ống động mạch tồn tại lâu năm thì thành của các nhánh động mạch sẽ bị xơ cứng, rắn chắc lại, áp lực động mạch phổi tăng dần, làm thay đổi sự trao đổi khí ở phổi và từ đó làm cản trở công việc của tâm thất phải. Ở giai đoạn cuối của bệnh, tâm thất phải dày ra (phì đại) và tới thời điểm nào đó, khi áp lực động mạch phổi và động mạch chủ trở nên thăng bằng hoặc đôi khi xuất hiện dòng máu đổi chiều (máu mạach chủ do áp lực động mạch phổi cao hơn áp lực động mạch chủ) sẽ xảy ra tình trạng suy tim toàn bộ, tâm thất trái và tâm thất phải cũng dãn nở ra, tim lớn nhanh, gan to, phù các chi, cổ trướng.
Triệu chứng lâm sàng: Khi bệnh nhân còn ít tuổi, mức độ rối loạn tuần hoàn chưa thể hiện rõ cho nên triệu chứng lâm sàng còn rất nghèo như mệt mỏi khi chơi với trẻ cùng tuổi, chậm phát triển thể lực. Dần dần xuất hiện những hiện tượng: tim đập nhanh, khó thở, nhức đầu, đau ngực bên trái. Ở giai đoạn cuối của bệnh, bệnh nhân thường bị tím tái các đầu chi. Trẻ mắc bệnh này thường bị viêm phổi.
Chẩn đoán: khi đặt ống nghe lên phần trên ngực trái, nơi khoang sườn II theo đường giữa xương đòn, ta sẽ nghe thấy một tiếng thổi tâm thu - tâm trương liên tục, ầm ầm như tiếng máy xay lúa hoặc tiếng còi.
Trong đại đa số các trường hợp, có thể chỉ dực vào các triệu chứng lâm sàng và X quang cũng có thể chẩn đoán được bệnh hở ống động mạch. Ở trường hợp khó chẩn đoán, phải dùng tới phương pháp thông tim, chụp X quang cản quang các buồng tim mới xác định được kết quả thông tim cho thấy áp lực và nồng độ bão hoà oxy trong động mạch phổi tăng cao, ống thông tim có thể chui qua ống động mạch sang động mạch chủ, luồn xuống tới động mạch chủ bụng chứng tỏ chẩn đoán bệnh chính xác hoàn toàn.
Có hai phương pháp điều trị bệnh hở ống động mạch:
Nút kín động mạch: Bằng cách thông tim (theo Portsman). Phương pháp này ít dùng vì không có phương tiên và dễ có biến chứng tắc mạch ngoại biên do nút bị tuột và băng theo dòng máu, đi xa.
Mở lồng ngực, thắt hoặc khâu thắt ống động mạch: Trong trường hợp cần thiết, có thể cắt đôi ống động mạch rồi khâu phục hồi thành bên của ống động mạch chủ và động mạch phổi. Nếu ống động mạch quá rộng và ngắn thì dùng phương pháp vá lỗ ống từ phía trong động mạch chủ (Guilmet và Soyer R. ) trong điều kiện tuần hoàn ngoài cơ thể ở phần dưới cơ thể.
Trong kỹ thuật mổ, khó nhất là bó tách mặt sau ống động mạch ra khỏi phế quản góc trái. Theo phương pháp cổ điển, bóc tách mặt sau ống động mạch bằng dụng cụ có thể có biến chứng rách ống động mạch hoặc rách động mạch phổi gây chảy máu xối xả và đại đa số các trường hợp dẫn tới tử vong. Phương pháp cải tiến bóc tách mặt sau ống động mạch bằng ngón tay của Nguyễn Khánh Dư áp dụng cho 164 bệnh nhân, kết quả tốt, không có biến chứng và tử vong. Kỹ thuật cải tiến này còn giúp rút ngắn thời gian mổ cho mỗi trường hợp phẫu thuật từ 40 phút đến 1 giờ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Dư |