Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Hỏi đáp về các căn bệnh
Loãng xương là gì? Các phương pháp điều trị?

Loãng xương, thưa xương hay xốp xương là tình trạng giàmkhối lượng của xương, giảm tỉ trọng xương tới mức làm cho xương trở nên giòn, hậu quả có thể dẫn đến gãy xương. Loãng xương do nhiều nguyên nhân gây nên, người ta phân biệt hai loại loãng xương: nguyên phát và thứ phát. Loãng xương nguyên phát gặp ở người già do tình trạng lão hoá của mô xương. Loãng xương thứ phát gặp ở các lứa tuổi do các nguyên nhân bệnh lí gây nên. Bài này giới thiệu loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát ngày càng trở thành một vấn đề lớn đối với sức khoẻ cộng đồng và cũng là một thách thức đối với những chi phí tài chính của xã hội, nhất là ở các nước đang phát triển có tuổi thọ trung bình ngày càng tăng.

Theo Christiansen C và Riggs B. L ỡ Mĩ có khoảng 1,5 triệu người bị gãy xương do nguyên nhân loãng xương mỗi năm, đòi hỏi chi phí cho những trường hợp này lên tới 7 - 10 tỉ USD mỗi năm. Ở Pháp, số phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh ước tính khoảng 4.5 triệu người, trong đó 10% bị tàn phế, giá tiền chi trả cho y tế là 1 tỉ 350 triệu Francs hằng năm (Aleaxandre C). Năm 1993 ở Hồng Kông Peck W. A thống kê thấy có 380 trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương trên 100.000 phụ nữ và ở nam giới con số này là 200/100.000.

Sơ lược về cấu trúc, quá trình tạo - huỷ xương và cơ chế bệnh sinh của loãng xương.

Xương là một mô liên kết đặc biệt có 3 chức năng: vận động, bảo vệ và chuyển hoá. Xương được cấu bởi 2 thành phần cơ bản là khuôn xương (khung giá) và các hợp chất khoáng. Khuôn xương chiếm khối lượng lớn trong toàn bộ xương gồm các sợi collagen, các mô liên kết khác rất giàu chất glucoaminoglycin và các tế bào (tạo cốt bào, huỷ cốt bào). Trên cái khuôn bằng chất hữu cơ này các hợp chất kháng (canxi và phôtpho) sẽ cố định và làm cho xương trở nên rắn chắc, chịu lực, chịu tải. Mô xương luôn được thay cũ đổi mới trong cả cuộc đời, huỷ cốt bào phá huỷ phần xương cũ đồng thời tạo cốt bào tạo nên xương mới để bù đắp lại, hai quá trình này cân bằng nhau ở người trưởng thành, nhưng tạo nhiều hơn ở người trẻ và huỷ nhiều hơn ở người già. Có nhiều yếu tố tác động vào sự điều hoà quá trình tạo huỷ xương như: di truyền, tuổi, giới tính, dih dưỡng, nội tiết, sự sinh sản, thói quen, nghề nghiệp.

Khi quá trình hủy xương cao hơn quá trình tạo xương thì khối lượng xương sẽ giảm, tỉ trọng giảm, khi trọng lượng giảm dưới 25% thì chưa gây nên tình trạng bệnh lí và được gọi là thiểu sản xương, khi trọng lượng giảm trên 25% thì được gọi là loãng xương (thưa xương, xốp xương) xương trở nên giòn và rất dễ gãy. Trong loãng xương thì khung xương (phần hữu cơ) trở nên mỏng và thưa hơn, nhưng các hợp chất khoáng được cố định trên một đơn vị khung xương không thay đổi, có thể nói xương giảm về số lượng nhưng không đổi về chất; dưới đây là mô hình so sánh khung xương bình thường và khung xương trong loãng xương.

Loãng xương nguyên phát là tình trạng lão hoá của mô xương, nó tăng dần theo tuổi tác và chịu ảnh hưởng của giới tính. Sau 50 tuổi, do tình trạng lão hoá, sự hoạt động của các tạo cốt bào giảm dần về số lượng và cả về chất lượng, trong khi các huỷ cốt bào vẫn hoạt động bình thường; một số nội tiết tố cũng có tác động nhiều trên sự hoạt động của tạo và huỷ cốt bào, đặc biệt là nội tiết tố sinh dục nữ, khi buồng trứng ngừng hoạt động (mãn kinh) thì quá trình tạo xương giảm rất nhiều. Dựa vào cơ chế sinh bệnh này người ta chia loãng xương nguyên phát thành 2 tip: tip 1 loãng xương sau mãn kinh và tip 2 loãng xương do tuổi già. Ngoài ra một số yếu tố cũng có tác động làm tăng quá trình loãng xương như: sử dụng thuốc lá, nghiện rượu, ít vận động, thiếu dinh dưỡng và vitamin, sử dụng một số thuốc kéo dài (corticosteroid, heparin, barbiuric...).

Loãng xương típ 1 thường xuất hiện sau khi phụ nữ mãn kinh từ 5 đến 15 năm, tình trạng loãng xương gặp ở các xương xốp nhất là cột sống, gây nên các tình trạng còng, gù, vẹo và đau lưng. Tip 2 loãng xương do tuổi già sau 70 tuổi ở cả 2 giới và tuổi càng cao thì loãng xương càng tăng, thương tổn chủ yếu ở các xương đặc (các chi), hậu quả dẫn đến gãy xương chi dễ dàng.

Các dấu hiệu lâm sàng của loãng xương.

Đau xương nhất là đau cột sống, đau thường tăng khi vận động nhiều, khi thay đổi thời tiết, đau về chiều, có thể thấy đau trong các ống xương dài. Vận động cột sống khó và hạn chế, chiều cao cơ thể thấp dần mỗi năm, có khi còng gập hẳn khiến phải đi lom khom. Gãy xương một cách rất dễ dàng, chỉ cần một va chạm hoặc ngã nhẹ, có 2 vị trí hay gặp là gãy cổ xương đùi và gãy cẳng tay.

Các xét nghiệm, thăm dò hình ảnh của loãng xương:

Có nhiều phương pháp cận lâm sàng để đánh giá tình trạng và mức độ loãng xương:

- Những xét nghiệm sinh hoá định lượng một số chất ở trong máu và trong nước tiểu như canxi, photpho, hydroxyprolin, osteocalcin, pyridiolin - deoxypiridiolin, men phosphatase acid và kiềm... nói chung ít giá trị trong chẩn đoán nếu chỉ làm một lần, nhưng nếu thử nhiều lần theo thời gian rồi đối chiếu so sánh thì có thể phát hiện được mức độ và tốc độ loãng xương trong 1 hoặc 2 na7n (phương pháp Christiansen) - Chụp X quang thông thường đánh giá độ đặc của xương; đo độ dày của phần vỏ các xương dài (đo chỉ số Nordin); xác định những nhóm bè xương của đầu trên xương đùi hau xương góy (chỉ số Singh); đánh giá hình thái của thân đốt sống chụp nghiêng rồi cho điểm (chỉ số Meunier)... những phương pháp này thường được sử dụng trong lâm sàng để chẩn đoán và theo dõi sự tiến triển của bệnh.

Đo mật độ xương, hiện nay có 5 kỹ thuật được dùng để đo mật độ x: đo sự hấp thụ tia photon đơn; đo sự hấp thụ tia photon kép, đo sự hấp thụ tia X; đánh giá đậm độ xương bằng siêu âml đo tỉ trọng xương bằng chụp cắt lớp vi tính. Các phương pháp này cho kết quả khá nhạy, chính xác, có thể giúp chẩn đoán sớm các tình trạng loãng xương, tuy nhiên do giá tiền quá đắt và tiế hành phức tạp nên cho đến nay còn chưa được sử dụng rộng rãi. Sinh thiết xương bằng kim sinh thiết hoặc bằng phẫu thuật, chẩn đoán sự thay đổi cấu trúc của mô xương, ít dùng trong lâm sàng.

Chẩn đoán loãng xương nguyên phát

Loãng xương sau tuổi mãn kinh (tip 1): phần lớn phụ nữ sau mãn kinh đều có giảm trọng lượng xương, nhưng quá trình này vượt quá 25% (thường sau đến 8 - 10 năm) người ta mới thấy xuấy hiện các triệu chứng, lúc đầu là đau mỏi lưng, đau mỏi trong các ống xương dài, lưng còng dần, chiều cao giảm rõ; vận động cột sống khó và đau khiến bệnh nhân không cúi ngửa được, đau ngày càng tăng, đôi khi đau lan toả theo đường đi của các rễ và dây thần kinh (do có chèn ép ở tuỷ sống), rất dễ gãy xương nhất là gãy xương ở phần dưới cẳng tay (gãy Pouteau Colles) sau một va chạm nhẹ hoặc chống tay; để xác định chẩn đoán cần chụp một phim X quang cột sống nghiêng từ lưng 7 đến thắt lưng 4, sau đó nhận xét hình thái của thân đốt sống và cho theo thang điểm Meunier.

Đối với những trường hợp nghi ngờ, có thể sử dụng các phương pháp chụp đặc biệt hoặc sinh thiết để xác định chẩn đoán và đánh giá mức độ tiến triển của bệnh.

Loãng xương nguyên phát ở người già (tip 2): xuất hiện sau 75 tuổi ở cả 2 giới, có thể sớm hơn với những người nghiện thuốc lá, rượu, ít vận động, dinh dưỡng kém, dùng các thuốc cortisoteroid kéo dài... Bệnh nhân thấy đau mỏi xương khớp nhất là vùng cột sống và vùng chậu nông, khả năng vận động, hoạt động giảm nhiều, đao mỏi tăng sau hoạt động và khi thay đổi thời tiết; nhưng đặc biệt nhất là, chỉ cần ngã hoặc va chạm nhẹ đã có thể xảy ra gãy xương, vị trí gãy ở cổ xương đùi chiếm tuyệt đại đa số trường hợp (sau ngã thấy đau ở vùng bẹn, háng, không thể vận động được bên chân gãy, kể cả chủ động và bị động). Nếu chụp phim X quang sẽ thấy ngay chỗ xương gãy. Gãy xương ở các vị trí khác cũng có thể gặp như cẳng tay, cẳng chân, đùi, cột sống, chậu hông... Gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi do loãng xương là một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm vì là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao và tốn kém về kinh tế.

Để dự phòng gãy xương do loãng xương ở người lớn tuổi, người ta sử dụng phương pháp chụp X quang đầu trên xương đùi, nhận xét cấu trúc các bè xương, sau đó cho điểm để đánh giá mức độ thương tổn trong loãng xương tip 2 và đưa ra một chỉ số định lượng gọi là chỉ số Singh. Chụp X quang đầu trên xương đùi ở tư thế thẳng; bình thường thấy có 4 hệ thống dải của các bè xương có kích thước và vị trí nhất định, khi có loãng xương các dải này sẽ thay đổi, dưới đây là hình ảnh bình thường và các mức độ bệnh lí.

Điều trị loãng xương nguyên phát

Hiện nay có nhiều thuốc có tác dụng điều trị loãng xương được sử dụng: canxi dưới các dạng thuốc hoặc tiêm, có loại còn được đưa vào sữa thương phẩm: viêm canxi citrat, lactat, gluconat, carbonat có nhiều loại từ 40mg, 80mg, 250 mg đến 1.000mg.

Vitamin D và 1,25 dihydroxy vitamin D (calcitrilo): vitamin D 800- 1000 đv/ngày hay calcitrilo 0.5 - 0.75 microgram/ngày (viên 0.25 microgrm).

Nội tiết tố sinh dục nam và nữ (testosterol, oetradiol, progesterol), thuốc tăng đồng hoá (anbolisants). Nội tiết tố sinh dục nhất là sinh dục nữ ngày nay được sử dụng nhiều để điều trị và dự phòng loãng xương do mãn kinh, osetradiol bao giờ cũng phối hợp với progesterol để tránh các tác dụng có hại khi dùng đơn thuần osetradiol (biệt dược lalivial viên 2.5 mg, uống 1v/ngày), hoặc thuốc thay thế raloxyfene 60 mg/ngày. Testosterol được dùng cho loãng xương ở nam giới uống viên 40 mg/ngày hoặc tiêm bắp 1 tuần 1 lần, nandrolon decanoat 50 mg tiêm bắp 3 tuần 1 lần.

Calcitonin là chất lấy từ tuyến giáp, có tác dụng ức chế hoạt động của huỷ cốt bào, biệt dược là myacalcic ống 50 đv/tiêm bắp, hoặc xịt vào niêm mạc mũi 100 đv/lần; nên dùng để điều trị những trường hợp huỷ xương nặng.

Biphosphonat: nhóm thuốc này có tác dụng ức chế quá trình huỷ xương, được dùng với các chế phẩm etdronat, alendronat, pamidronat, tiludronat; viên didronel PMO 400 mg (etidonat di Na/Ca) mỗi ngày uống 1 viên xa bữa ăn, uống 14 ngày ngừng lại, sau đó uống tiếp canxi 500- 1000 mg/ngày x 2 tháng 15 ngày, thuốc được chỉ định cho loãng xương đã có biến chứng.

Các hợp chất có chứa Flour: tăng quá trình tạo xương, dùng điều trị hỗ trợ, viên Na fluor 5mg uống 3-5 v/ngày, kết hợp với các thuốc khác.

Một số thuốc khác : PTH (parathormon) liều nhỏ để kích thích tạo xương. Hocmon tăng trưởng (GH). Các loại cao động vật toàn tính hay cao xương được dùng theo kinh nghiệm nhưng chưa được chứng minh có tác dụng chắc chắn (cao hổ, gấu, trăn, khỉ...)

Dự phòng loãng xương nguyên phát

Đối với loãng xương cả tip 1 và 2 muốn phòng bệnh cần dựa vào một số nguyên tắc chung: chế độ dinh dưỡng hợp lí; hoạt động thể lực hợp khả năng; bỏ thuốc và rượu, dùng canxi, vitamin D; nội tiết thay thế (khác nhau giữa nữ và nam), nhất là với những người có nguy cơ cao.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình