Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Viêm quanh chóp răng là gì? Phương pháp điều trị?

Viêm quanh chóp răng, tiếng Việt trước kia thường gọi không đúng là viêm khớp răng (dịch từ arthrite alvéolo - dentaire, monoarthrite alvéolo - dentaire). Tiếng Anh gọi là apical periodon titis, nhưng không có cùng nguyên nhân và bệnh lý với periodontitis mà ta gọi là viêm nha chu.

Cần chú ý: từ periodonium (tiếng Anh) có nghĩa là các tổ chức nâng đỡ răng, bao gồm lợi (nướu), xê măng răng, dây chằng quanh răng và xương ổ răng (theo Current clinical denal terminology, Carl. O. Boucher 1974). Từ periodontium (tiếng Anh) đồng nghĩa với từ parodonte (Pháp).

Còn từ périodonte hoặc desmodonte hoặc ligament alvéolo-dentaire (Pháp lại đồng nghĩa với từ ligament (Anh) và bao gồm toàn bộ tổ chức liên kết sợi nằm trong khoảng cách chung quanh răng, giữa mặt ngoài của xê măng chân răng và mặt trong của xương ổ răng (theo Précis de Stomatologie A. Chaput, 1967).

Từ Việt Nam viêm “khớp” răng trước kí dịch theo từ Pháp “arthrite” alvéolo - dentaire hoặc monoarthrite alvéolo - dentaire làm dễ hiểu lầm với các khớp khác trong cơ thể như khớp thái dương - hàm, khớp gối, v.v... Về cấu trúc, “khớp” răng không giống bất cứ khớp nào khác trong cơ thể. Cho nên Pháp cũng đã bỏ khái niệm articalation và không dùng từ “monoarthrite” alvéolo - dentaire hoặc “arthrite” alvéo - dentaire. Bệnh viêm khớp răng nên gọi đúng hơn là viêm quanh chóp răng.

Như vậy, trước kia gọi là “Viêm khớp răng”, nay gọi lại cho đúng là viêm quanh chóp răng, tiếng Pháp là parodontite apicale (Laurichesse, 1984) và tiếng Anh là apical periodontitis.

Viêm quanh chóp răng cấp tính là một viêm có đau ít nhiều, tại chỗ, ở quanh chóp răng.

Chaput (1967) định nghĩa périodontite (monoarthrite ou desmodontite) là viêm do u hạt, dưới ảnh hưởng của các độc tố từ trong ống tủy răng ra, có những đợt sung huyết gây đau và cho cảm giác răng “dài” ra, đau nhiều khi nhai ăn và khu trú ở chóp răng.

Nhưng Stephen Cohen (1984) cho rằng có thể do bệnh tủy lan ra vùng mô quanh chóp hoặc có thể do trong lúc điều trị nội nha, vô tình đưa dụng cụ hoặc hóa chất qua chóp. Ngoài ra, cũng còn có thể do chấn thương ở mặt cắn và mặt nhai vì miếng trám quá cao hay do tật nghiến răng, trong khi ấy tủy vẫn sống bình thường.

Do đó trên lâm sàng phải chú ý rằng một viêm quanh chóp răng có thể gặp ở một răng có tủy hoại tử và cả ở một răng có tủy sống. Cho nên cần thử test nhiệt độ và điện trước khi điều trị.

Răng lung lay nhiều hay ít. Gõ dọc đau nhói, gõ ngang ít đau hơn. Càng đau nhiều khi ngậm miệng, nhai ăn, chạm vào răng đối diện. Đụng nhẹ vào răng hay lợi đều làm đau.

Toàn thân có thể có sốt nhẹ, sưng nhỏ, khu trú ở gần răng thương tổn, có hạch dưới hàm

Trên phim, dây chằng ở chóp răng có thể bình thường hay hơi dày một ít, có vùng thấu quanh ở chóp răng, nhưng bờ hơi mờ do bị viêm.

Tiến triển: nếu không điều trị, viêm quanh chóp răng lúc đầu khu trú, có thể lan ra, có thêm nhiều triệu chứng khác và có thể đưa đến apxe quanh chóp cấp.

Nếu tủy răng đã chết, lập tức tiến hành điều trị nội nha. Nhưng nếu tủy răng còn sống, sau khi loại trừ nguyên nhân (điều chỉnh lại khớp cắn bằng cách loại bỏ các điểm chạm sớm) bệnh có thể khỏi và các thương tổn sẽ tự lành được.

Apxe quanh chóp cấp tính: Đây là một trong những biến chứng nặng nhất trong nhiễm trùng nha khoa, mặc dù phim tia X không phát hiện gì hoặc có thể thấy một dây chằng dày hơn bình thường một ít. Nguyên nhân do kết quả của một viêm quanh chóp trong giai đoạn tiến triển của một răng bị hoại tử, gây viêm làn tràn và có mủ.

Sau giai đoạn cấp tính 4-5 ngày, bệnh tiến triển đến giai đoạn có apxe. Mủ thoát ra theo ống tủy hoặc trong khoảng cách quanh răng (ở cổ răng) hoặc ở vùng màng xương. Trong trường hợp này, có biểu hiện triệu chứng sưng quanh xương hàm, kèm theo triệu chứng toàn thân (sốt nhẹ). Mủ có thể vỡ, ở ngách lợi hàm trên và dưới hoặc ở vòm miệng, gần vùng răng bị bệnh, tùy thuộc vị trí của chóp răng, nơi bám các cơ và chiều dày của vỏ xương.

Trên lâm sàng dễ nhận thấy: có sưng nhiều hay ít, đau nhiều hay ít, rất đau khi gõ hoặc sờ và có thể có răng lung lay. Đôi khi có sốt nhẹ.

Chẩn đoán phân biệt với:

Apxe nha chu (phía) bên: có sưng và đau. Chụp phim: răng bình thường. Thử nhiệt và điện cho thấy tủy vẫn còn sống. Tuy nhiên, thường gặp một túi nha chu, nếu thăm dò, sẽ có mủ dính theo qua thăm dò.

Apxe quanh chóp tái phát (abcès récurrent phoenix abcess): có một vùng thấu quang ở quanh chóp răng. Tất cả các dấu hiệu khác đều giống với apxe quanh chóp cấp

Viêm quanh chóp răng mạn tính:Thường thường là một viêm đã kéo dài lâu ngày, không có triệu chứng, tuy nhiên cũng có lúc gõ à sờ có đau ít. Chỉ có sinh thiết và xét nghiệm với kính hiển vi mới cho biết chắc chắn các thương tổn ở chóp răng là một u hạt, một apxe hoặc một nang chân răng. Ở chung quanh chóp răng, có diễn ra một sự cân bằng giữa quá trình tự bảo vệ của xương và sự nhiễm trùng từ ống tủy, cho nên xương ở quanh chóp răng có biến đổi: có người chẩn đoán đó là một vùng thấu quang, người khác lại cho rằng đó là sự dày hơn của dây chằng quanh răng.

Chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu: Không có đau, tủy đã chết, có vùng thấu quang ở chóp răng. Nếu có mủ, sẽ thấy một đường dẫn lưu mủ và nhờ mủ thoát được, nên không có triệu chứng sưng, đau gì cả. Nếu tự nhiên hết mủ hoặc nhờ chữa nội nha, ống tủy tốt, các tổ chức hoạt tử được lấy ra hết, cũng có thể làm hết chảy mủ và ống dẫn mủ mất dần.

Apxe tái phát: (abcès récurrent, Phoenix abeess): Theo thần thoại Ai Cập, chim phượng hoàng sống ở sa mạc, tự thiêu và sống trở lại trên đống tro của nó, loại apxe quanh chóp mạn tính này, sau một thời gian “ngủ” im lìm đột nhiên thức dậy trở thành cấp tính (như chim phượng hoàng) và có đầy đủ các triệu chứng một viêm (apxe) quanh chóp cấp tính. Sự khác biệt chủ yếu là apxe “phượng hoàng” đã qua một gian đoạn mạn tính, có một vùng thấu quang rõ rệt.

Apxe phượng hoàng có thể bắt đầu “thức dậy” ngay sau khi chữa nội nha một răng có viêm quanh chóp mạn tính mà không có đường dẫn lưu mủ. Có thể do đẩy các chất kích thích hoặc các vi khuẩn qua khỏi chóp răng, từ đó đánh thức một quá trình viêm mạn tính

Điều trị viêm quanh chóp răng: theo nguyên nhân nếu do tủy hoại tử thì điều trị nội nha. Còn nếu do chấn thương khớp cắn thì điều trị khớp cắn
Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình