Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
Bệnh phân trắng ở lợn con (Colibacillosis).

 Bệnh phân trắng ở lợn con là một hội chứng hoặc một trạng thái lâm sàng đa dạng; đặc điểm là viêm dạ dày, ruột, đi tả và gầy sút nhanh. Tác nhân gây bệnh chủ yếu ở lợn con là E.Coli, nhiều loại Salmonella (S.choleraesuis, S.typhisuis) và đóng vai trò phụ là: Proteus, Streptococcus. Bệnh xuất hiện vào những ngày đầu sau khi sinh (do E.Coli) và suốt trong thời kỳ bú mẹ.

            Ở nước ta, lợn con mắc bệnh phân trắng rất phổ biến. Trong các cơ sở chăn nuôi, tỉ lệ lợn mắc bệnh từ 25 đến 100%, tỉ lệ tử vong trên 70%. Bệnh có quanh năm, nhiều nhất cuối đông sang xuân, cuối xuân sang hè; điều kiện phát bệnh phân trắng thường thấy:

             - Thời gian nào độ ẩm cao hơn, bệnh phát triển nhiều.

            - Tỉ lệ mắc bệnh các cơ sở chăn nuôi miền trung du, miền núi ít hơn, thời gian mắc bệnh ngắn hơn so với đồng bằng.

            - Chuồng nền đất, sân chơi rộng rãi, hạn chế rất nhiều sự phát triển của bệnh.

           - Đất ở đồi núi, trung du (mà lợn con gặm ăn được) là một điều kiện ngăn ngừa bệnh, vì đất đồi có nhiều nguyên tố vi lượng bổ sung cho sự thiếu hụt của thức ăn.

           - Chuồng trại nơi trũng, ướt tạo điều kiện thuận lợi bệnh phát triển.

            Các kết quả nghiên cứu về nguyên nhân bệnh phân trắng của lợn con ở nước ta cho thấy:

Bệnh phân trắng lợn con không phải là bệnh truyền nhiễm lây lan, mặc dù phát triển ồ ạt, rộng rãi tại các cơ sở chăn nuôi.

           + Do thành phần sữa mẹ có nhiều chất khô, mỡ khó tiêu, từ đó trực trùng Coli tác động phân huỷ sữa thành axít gây viêm dạ dày - ruột

 Lượng sữa lợn mẹ từ khi đẻ tăng dần đến ngày thứ 15 là cao nhất, đến ngày thứ 20 đột nhiên giảm xuống khá thấp (Cù Xuân Dần) trong khi nhu cầu sữa của lợn con ngày càng tăng. Đến ngày thứ 20, nếu lợn mẹ thiếu dinh dưỡng, lợn con càng thiếu sữa, thường ăn bậy, dễ sinh các bệnh về tiêu hoá.

            + Do trữ lượng sắt của lợn con từ bào thai chưa đủ. Khi sinh ra không được sữa mẹ cung cấp đủ nhu cầu, thiếu cả Coban, B12 nên sinh bần huyết. Cơ thể suy yếu không hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng, sinh không tiêu, ỉa chảy.

             + Lợn con từ sinh đến ngày 20 tuổi, pH dịch vị trung tính, không có axít, đặc trưng là axít clorhydric tự do nên không có đủ khả năng tiêu hoá protit. Nhược điểm này có thể là nguyên nhân đầu tiên làm phát sinh bệnh. Đối với lợn con, một tháng tuổi trở lên, hàm lượng HCl và men pepsin dịch vị tăng nên tỉ lệ cảm nhiễm bệnh giảm rõ rệt.

            + Thời tiết, tiểu khí hậu chuồng nuôi, chế độ ăn uống, vệ sinh chuồng trại, sự điều hoà tốt giữa độ ẩm và độ nhiệt… đều ảnh hưởng đến tỉ lệ cảm nhiễm bệnh.

Triệu chứng:

- Thể gây chết nhanh. Những lợn từ 4 – 15 ngày tuổi thường mắc thể này. Sau 1 – 2 ngày đi ra phân trắng lợn gầy sút rất nhanh. Lợn bú kém, rồi bỏ bú hẳn, ủ rũ, đi đứng siêu vẹo. Niêm mạc mắt nhợt nhạt, bốn chân lạnh. Có con hay đứng riêng một chỗ và thở nhanh. Phân từ ỉa nát, đến loãng và như đi kiết (rặn khó khăn). Số lần ỉa tăng 1 – 2 lần trong ngày lên 4 – 6 lần. Màu phân từ xanh đen biến thành màu xám (màu tro bếp) rồi màu trắng đục, trắng hơi vàng. Mùi tanh, khắm. Phân dính vào đít, đuôi. Bệnh kéo dài 2 – 4 ngày, trước lúc chết quá suy nhược, co giật hoặc run rẩy. Tỉ lệ chết 50 – 80% số con ốm.

-  Thể kéo dài: Lợn 20 ngày tuổi hay mắc thể này. Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày.

Lợn vẫn bú, nhưng bú dần dần kém đi. Phân màu trắng đục, trắng hơi vàng. Có con, mắt có dữ, có quầng thâm quanh mắt, niêm mạc nhợt nhạt. Nếu không lành, lợn suy nhược rồi chết sau hàng tuần bị bệnh.

Những lợn đã đến 45 – 50 ngày tuổi thì có khi ỉa phân trắng nhưng vẫn hoạt động bình thường; ăn bú, đi lại nhanh nhẹn. Phân thường đặc hoặc nát với màu trắng xám. Từ đó, lợn có thể tự lành, ít chết nhưng nếu bị kéo dài, lợn còi cọc, gầy sút.

Đặc điểm chung của tất cả lợn bệnh là thân nhiệt thay đổi. Những lợn con đã 50 – 60 ngày tuổi rất khó mắc bệnh. Và cai sữa thì hầu như không bị. Những lợn con ít tuổi dù lành bệnh cũng sẽ phát triển không bình thường.

Đặc điểm lâm sàng và bệnh lý:

Tuổi mắc bệnh: thường dưới 2 tuổi.

Lâm sàng: Thân nhiệt ít khi cao, cá biệt có con 40,5 – 410C. Nhưng chỉ sau 1 ngày là xuống ngay. Phân lỏng màu trắng như vôi, trắng xám màu ximăng, hoặc hơi vàng như mũi. Đôi khi trong phân có bột hoặc lổn nhổn hạt như vôi có khi lầy nhầy, cá biệt có lẫn máu, mùi tanh đặc biệt, kiểm tra dưới kính hiển vi thấy những hạt mỡ chưa tiêu hoặc tế bào niêm mạc ruột bị tróc ra. Lợn bú ít dầu. Bụng hơi chướng, kéo dài thì bụng tóp lại. Lông xù, đuôi rũ, đít dính phân be bét, 2 chân sau dúm lại, run lẩy bẩy. Lợn khát nước nên uống cả nước bẩn trong chuồng. Đôi khi nôn oẹ ra sữa chưa tiêu có mùi chua.

Kiểm tra máu lợn bệnh, tỉ lệ hemoglobin dưới 30% số lượng hồng cầu 3 triệu/mm3 (Lợn khoẻ tỉ lệ hemoglobin thấp nhất là 51%, hồng cầu 5,4 triệu/mm3).

Bệnh tích:

Niêm mạc nhợt nhạt, máu loãng hơi đen dạ dày chứa đầy hơi, hoặc sữa chưa tiêu. Niêm mạc dạ dày sung huyết hay xuất huyết. Ruột rỗng chứa nước hơi, niêm mạc sung huyết hay xuất huyết từng đám hoặc viêm cata nhẹ. Gan hơi sưng (hoặc không) màu nâu vàng nhạt túi mật căng. Phổi ứ huyết, đôi khi có hiện tượng sưng phổi nhẹ.

Phòng trị bệnh:

-  Điều trị bệnh: Khẩn trương điều trị và chăm sóc nuôi dưỡng tốt.

+ Phân lập các chủng E.Coli và các vi khuẩn kết hợp làm kháng sinh đồ; trên cơ sở đó lựa chọn kháng sinh để điều trị. Sử dụng 1 trong các loại kháng sinh sau:

             Chloramphénicol với liều                 50 mg/kg thể trọng

             Tetrecylin với liều                              50 mg/kg thể trọng

             Neomycin với liều                             50 mg/kg thể trọng

             Furazolidon với liều                         30 mg/kg thể trọng

             Biomycin với liều                               30 mg/kg thể trọng

Liệu trình dùng 3 – 4 ngày cho tới khi lợn hết triệu chứng ỉa phân trắng.

Có thể dùng các kháng sinh tiêm phối hợp với một số dạng Sulfanilamid để cho uống.

Besepton với liều 50 mg/kg thể trọng

Sulfanamidin với liều 100 mg/kg thể trọng

Sulfadimetoxin (Daimeton) với liều 50 mg/kg thể trọng.

+ Dùng một số kháng sinh có nguồn gốc thảo mộc cũng có thể điều trị được bệnh lợn con ỉa phân trắng.

Tô mộc 500 + Ngũ bội tử 300g; hai thứ sắc đặc trộn lẫn vào thức ăn cho 100 lợn con ăn. Nếu dùng viên tô mộc (do dược phẩm sản xuất) cũng trộn với thức ăn  theo liều 2 viên/1 lợn con/ngày với lợn dưới 1 tháng tuổi. 3 viên cho lợn 1 – 2 tháng tuổi/ngày. Cho ăn 3 – 4 ngày. Chữa khỏi bệnh 85% - 90%.

Palmatin: chiết xuất từ cây hoàng đằng (Fibraureatinctoria) dùng dưới dạng viên 50 mg/lợn con hiệu quả điều trị 50%.

Becberin: viên dùng với liều 20 mg/lợn con (viên có hàm lượng 10 mg), trong 3 – 4 ngày; hiệu quả điều trị 70 – 80%.

+ Dùng thuốc chế phẩm sinh học để điều trị:

Dùng canh trùng Yourt còn gọi là ABK (dùng làm sữa chua) với liều:

Lợn dưới 15 ngày tuổi dùng 8 – 10 ml/ngày/con.

Lợn từ 15 – 30 ngày tuổi dùng 15 – 20 ml/con/ngày.

Lợn 30 ngày tuổi trở lên dùng 20 – 30 ml/con/ngày.

Conplex subtilit (chế từ chủng Bacillus subtilit) và chế phẩm Ultralevure (chế từ chủng Saccharomyces bonlardi) cho lợn con mới sinh uống 3 ngày liền. Nếu sau đó, lợn phát bệnh thì tăng liều gấp đôi. Công thức điều trị này ngoài làm giảm tỉ lệ lợn con phân trắng còn tăng trọng tốt.

Viên subtilit (chế từ canh trùng B.subtilit) dùng cho lợn con uống hoặc trộn với thức ăn có tác dụng chữa bệnh khỏi ở giai đoạn đầu đến 95%.

Dùng gama globulin tiêm dưới da cho lợn sơ sinh hoặc tiêm cho lợn mẹ trước khi đẻ 10 ngày theo liều 1 ml/kg thể trọng, tiêm 3 ngày liền. Thuốc có tác dụng điều trị khỏi bệnh 85%.

+ Điều trị bằng nguyên tố vi lượng.

Sunfát sắt (FeSO4) dùng trên với thức ăn cho lợn mẹ ăn thêm trước khi đẻ 20 – 25 ngày và sau khi đẻ 20 – 39 ngày, để đề phòng lợn con ỉa phân trắng.

Protoxalat hoặc Oxalat với 200 ml nước, cho lợn uống 5 – 7 ml/ngày; dùng liên tục 7 – 10 ngày; vừa chữa bệnh vừa có tác dụng tăng trọng lợn.

Sunfát sắt phối hợp với sunfát đồng theo công thức sunfát sắt 0,1g với sunfát đồng 0,01g, hoà với 40 ml nước, cho lợn uống: 2 ml/con/lần. Ngày cho uống hai lần vừa có tác dụng chữa bệnh vừa tăng trọng cho lợn.

Tiêm dextran Fe cho lợn con 2 ngày tuổi 1cc (nếu dextran Fe ngoại 100 mg). Nếu dùng dextran nội thì tiêm nhắc lại 2 vào 15 ngày tuổi 1cc nữa.

Phòng bệnh:

+ Dùng vacxin để phòng bệnh. Vacxin được chế từ các chủng E.Coli gây bệnh phân trắng ở lợn con, phân lập ở các địa phương thuộc các serotyp sau: O143, O147, O141, O149, O129, O127, O115, O8… Vacxin chế dạng vô hoạt dùng tiêm cho lợn mẹ 1 – 2 lần trước khi đẻ. Lợn mẹ được miễn dịch sẽ truyền miễn dịch cho lợn con (miễn dịch thụ động) qua sữa, nhất là sữa đầu để chống đỡ với các chủng E.coli gây bệnh. Hiệu quả đạt 60%.

+ Vacxin E.Colin dạng uống. Cùng được chế tạo từ các chủng E.Coli gây bệnh, phân lập từ các địa phương, dùng cho lợn uống 3 – 4 lần sau khi đẻ. Vacxin có tác dụng phòng bệnh đạt tỉ lệ 70%.

+ Cải thiện các điều kiện nuôi dưỡng lợn nái, lợn con. Nuôi dưỡng lợn nái đúng khẩu phần, đủ chất lượng: đạm, bột đường, vitamin và kháng đa vi lượng, đảm bảo thai phát triển tốt, lợn con sau sinh có sức đề kháng tốt.

Cho lợn con tập ăn sớm sau 10 – 15 ngày tuổi với thức ăn đầy đủ chất lượng có bổ sung khoáng vi lượng, sunfát sắt, đồng, coban… để lợn giảm tỉ lệ ỉa phân trắng và tăng trọng tốt.

Giữ gìn chuồng trại sạch sẽ, ấm áp, có đèn sưởi ấm hoặc đèn hồng ngoại, bảo đảm tháng đầu của lợn con sơ sinh ấm, sạch, thoáng.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình