Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Bệnh giun đũa (Ascarridiosis suum).

 Bệnh giun đũa khá phổ biến ở lợn 2 – 6 tháng tuổi, làm sinh trưởng phát dục của lợn không đầy đủ, sản phẩm thịt giảm 30%.

            Giun đũa họ Ascaridae, loài Ascaris suum ký sinh ở ruột non lợn.

            Giun màu trắng sữa, hình ống, hai đầu hơi nhọn. Đầu có ba môi bao bọc quanh miệng. Giun đực dài 15 – 25 cm, giun cái dài 25 – 40 cm. Vòng đời của giun đũa lợn không cần vật chủ trung gian. Lợn trực tiếp ăn phải trứng giun gây nhiễm rồi phát triển thành giun trưởng thành. Giun cái có 27 triệu trứng, mỗi ngày đẻ 200.000 trứng. Trứng theo phân ra ngoài. Những trứng có phôi gặp điều kiện ẩm độ và nhiệt độ thích hợp, trong 2 tuần, tế bào trứng phát dục thành ấu trùng (nhiệt độ thích hợp nhất 30 – 350C và có thể phát dục ở nhiệt độ 15 – 300C, ẩm độ thích hợp 80 – 90%). Ấu trùng I qua một tuần lễ nữa lột xác thành trứng ấu trùng gây nhiễm. Trứng này, bị lợn nuốt vào ruột non sẽ thành giun trưởng thành. Vào đường tiêu hoá, ấu trùng thoát ra đi vào máu, gan, tim, phổi… và đi qua miệng ra ngoài. Trứng giun đũa có thể sống rất lâu từ 11 tháng đến 5 năm. Trứng có sức đề kháng mạnh với tất cả các loại hoá chất (base, acid) chống đỡ kém với khô ráo và ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp.

            Tuổi thọ của giun đũa 7 – 10 tháng. Hết tuổi thọ, giun theo phân lợn ra ngoài. Tuổi thọ giun phụ thuộc vào sự “lão hoá” của giun và tình trạng thay đổi sinh lý và sức đề kháng của lợn. Gặp điều kiện không có lợi (vật bị bệnh truyền nhiễm, sốt cao…) thì tuổi thọ của giun ngắn lại. Số lượng giun đũa trong cơ thể lợn từ 1 vài con đến hàng ngàn con.

Triệu chứng:

            Triệu chứng ở lợn mắc bệnh không rõ rệt lắm. Chủ yếu mắc bệnh lông xù, chậm chạp, ỉa chảy, còi cọc, rối loạn tiêu hoá. Do giun đũa gây bệnh bằng tác động cơ giới, đầu độc và chiếm đoạt thức ăn nên lợn viêm ruột, đi tả, đau bụng; bần huyết và gầy dần. Có khi có triệu chứng thần kinh, co giật. Ấu trùng khi đi qua phổi, gây tụ huyết hay viêm phổi, lợn ho, nhiệt độ lên cao. Ở thể đặc biệt, giun làm tắc ruột, gây viêm phúc mạc, lợn chết trong 1 vài ngày. Có khi giun chui vào ống mật gây ra hoàng đản. Giun đũa tiết độc tố, tác hại đến thần kinh trung ương và mạch máu, gây trúng độc, lợn có triệu chứng thần kinh co giật, hưng phấn hoặc tê liệt. Trong quá trình trao đổi chất, giun đũa còn thải những chất cặn bã gây tác hại cho lợn, chậm lớn ảnh hưởng tới năng suất thịt.

Chẩn đoán:

- Đối với con dưới 2 tháng tuổi: Lợn con theo mẹ thì giun đũa chưa đẻ trứng (60 – 62 ngày giun mới đẻ trứng). Vì vậy, muốn chẩn đoán có thể mổ khám lợn rồi tìm ấu trùng ở phổi và gan.

- Đối với lợn trên 2 tháng tuổi: Kiểm tra thêm bằng phương pháp phù nổi để tìm trứng hoặc mổ khám để tìm giun đũa ở ruột non.

- Chẩn đoán bằng phương pháp biến thái nội bì: Theo Ersov chế kháng nguyên như sau:

Rửa sạch giun đũa còn sống, nghiền nát hoà với hai phần nước cất. Cứ 1 ml dung dịch tiêm thêm 8g men tuyến trùng và 10ml Chlorofoc. Điều chỉnh pH = 7,6 – 7,8 cho vào tủ ấm 7 – 12 ngày. Khi giun tan hết thì ly tâm. Lấy nước ở trên cho vào lọ pha với cồn 960 tỷ lệ 1:5 để cho kháng nguyên lắng xuống; lấy kháng nguyên ở đây cho vào tủ ấm. Sau khi khô, bảo quản ở tủ lạnh trên 8 tháng vẫn không ảnh hưởng đến đặc tính kháng nguyên. Khi tiêm pha loãng 1:200, có thể tiêm nội bì, vành ngoài tai hoặc nhỏ vào xoang kết mạc mắt. Phương pháp này chẩn đoán tốt, không có phản ứng chéo với lợn nhiễm giun tốc, giun kết hạt và giun đầu gai.

Sau khi lợn nhiễm giun đũa từ 8 – 11 ngày, bắt đầu có phản ứng dương tính. Phản ứng này duy trì được 110 – 140 này. Thời gian phản ứng biến thái xuất hiện phù hợp với thời gian kháng thể tập trung trong máu sau khi nhiễm giun và không phụ thuộc vào giun trưởng thành ở ruột.

Tỉ lệ nhiễm giun đũa qua các tháng tuổi của lợn: dưới 2 tháng tuổi 39%, 3 – 4 tháng tuổi 48%, 5 – 7 tháng tuổi 58% trên 8 tháng tuổi chiếm 25%.

Phòng bệnh:

- Đối với lợn bột, một đời chỉ cần tẩy 1 lần khi tách mẹ với thuốc dipterex, atgard: liều dùng 0,15 g/kg. Trộn vào thức ăn ngoan, cho lợn ăn hết thuốc, tiếp tục cho lợn ăn hết khẩu phần còn lại.

- Đối với lợn chửa, lợn đang nuôi con và lợn con theo mẹ thì không tẩy.

- Đối với cơ sở nuôi tập trung nhiều lợn thì 3 – 4 tháng tẩy giun cho tất cả đàn lợn một lần với:

+ Lợn con mới tách mẹ.

+ Lợn nái mới cai sữa con.

+ Lợn nuôi thịt, lợn hậu bị, lợn đực giống.

-  Chuồng trại phải hợp vệ sinh. Có hố lắng cặn 3 ngăn. Phân phải ủ để diệt mầm bệnh. Thực hiện vệ sinh tiêu độc định kỳ

Trị bệnh:

- Phenothiazin: với liều 0,5 g/kg thể trọng, dùng 2 buổi sáng liền. Kết quả tẩy được 70 – 100% giun đũa.

- Dipterex: Dùng liều 0,05 g/kg thể trọng, pha với nước cất theo tỉ lệ 5%, tiêm dưới da (không bắt lợn nhịn đói), thì hiệu lực tẩy giun đũa 80 – 100%, giun tóc 100%. Giun bắt đầu ra 7 giờ sau khi tiêm thuốc.

Nếu cho uống thì dùng liều 0,10 – 0,15 g/kg thể trọng. Với lợn ngoại, lợn lai nặng trên 100 kg thì dùng liều 0,98 g/kg thể trọng, lợn từ 3 – 4 tháng tuổi thì dùng liều 0,15 g/kg thể trọng, lợn từ 5 – 10 tháng tuổi thì dùng liều 0,12 g/kg thể trọng.

- Atgard (Dichlofvos - dẫn xuất của Dipterex) liều dùng 0,15 g/kg thể trọng, tẩy giun đũa, sán lá ruột 100% và các loại giun khác. Thuốc dễ ăn hơn dipterex.

- Tetramisol, Levamisol, thuốc này ít độc, nhưng đắt tiền. Liều dùng 10 – 15 mg/kg thể trọng lợn.

Lợn nước ta thường mắc giun đũa và sán lá ruột nên dùng dipterex và Atgard tẩy một lúc được cả hai loại giun.

- Piperazin: 0,1 g/kg thể trọng trộn vào thức ăn trong 3 ngày liền.

+ Ở nông thôn có thể sử dụng hạt cau tươi cho lợn con trước khi cai sữa 3 – 4 tuần. Cho lợn con cũng ¼ hạt cau tươi/1con (hoặc giả trộn vào thức ăn) và cứ 7 ngày cho ăn một lần đến khi cai sữa. Sau cai sữa một tuần cho uống ½ quả một lần. Lợn 3 – 6 tháng tuổi cho ăn cả quả cau

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình