Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Bệnh giun phổi.

Bệnh giun phổi ở nước ta do 3 loài:

            Metastrongylus elongatus, M.pudentotectus và M.salmi gây ra.

            Giun phổi ký sinh ở thuỳ sau, thuỳ giữa phổi lợn. Thân hình giống sợi chỉ màu trắng hoặc vàng nhạt.

            Giun Metastrongylus elongatus, con đực dài 12 – 26 mm, con cái 20 – 50 mm.

            Giun Metastrongylus salmi, con đực dài 17 – 18 mm, con cái 30 – 45mm.

            Giun trưởng thành ký sinh ở phổi, khí quản, trứng đẻ ra đã phát triển các phôi bào. Khi lợn ho, trứng lẫn vào đờm tới hầu rồi vào ruột. Khi trứng theo phân lợn ra ngoài thì đã phát triển thành ấu trùng I. Trứng giun phổi sống ở nơi ẩm ướt một thời gian dài. Ấu trùng nở ra có thể sống nơi ẩm ướt khoảng 3 tháng. Những trứng và ấu trùng không thể gây nhiễm cho lợn. Chỉ khi giun đất vật chủ trung gian nuốt phải trứng này mới phát triển thành trứng có sức gây nhiễm (ấu trùng I có thể nở ra khỏi trứng sau khi giun đất nuốt phải). Trứng ở trong giun đất nở thành ấu trùng qua 2 lần lột xác, sau 10 – 12 ngày thì thành ấu trùng gây nhiễm. Ấu trùng này thành thực quản và mạch máu của giun đất. Nếu giun đất chết thì ấu trùng sẽ ở trên đất ẩm và sống được 2 tuần lễ.

            Lợn ăn phải giun đất có ấu trùng gây nhiễm, hoặc trực tiếp ăn phải ấu trùng gây nhiễm, bị nhiễm giun phổi.

Lâm sàng:

Bốn ngày sau khi nhiễm ấu trùng giun phổi, lợn có triệu chứng kém ăn và đi lại mệt nhọc. Sau 8 ngày lợn bắt đầu ho, lúc đầu ho khan, kép dài đến ngày thứ 13 ho rất nặng, thở khó, thở ngắn và liên tục. Khi thở phải quỳ 2 chân trước xuống nền chuồng. Ngày thứ 17 lợn gầy rạc đi, ho liên tục ra nước mũi, khi ho có cảm giác như muốn khạc vật vướng trong cổ họng. Ngày thứ 30 một số lợn phục hồi, ho giảm dần ăn xuống trở lại bình thường, xuất hiện trứng trong phân lần đầu tiên vào ngày 30. Một số con không phục hồi, phát triển đến ngày thứ 32 thì chết.

Bệnh lý:

Khi ấu trùng di hành, phá hoại thành ruột, hạch lâm ba, mạch máu và tổ chức phổi; đồng thời mang vi khuẩn vào các tổ chức đó. Ngoài ra, giun còn tiết độc tố, hấp thụ vào máu làm cho lợn trúng độc, lợn con chậm lớn, sức đề kháng của lợn giảm sút nên dễ mắc các bệnh khác. Lợn con có thể bị chết.

Bệnh tích:

Phổi nhiễm đốm trắng nhất là ở rìa ngoài, cắt ra thấy nhiều giun ở trong phế quản nhỏ. Nhiều thuỳ phổi trở nên cứng và dai do mất cấu tạo xốp. Giun vít chặt các khí quản nhỏ và nhiều đoạn giun cuộn đầy, niêm dịch và các chất thẩm xuất tạo thành một chất quánh có màu vàng sẫm (gần như màu đen). Do suy nhược nên tim có nước, da thịt nhão, dạ dày và ruột trống không.

Tình hình nhiễm bệnh giun phổi ở lợn nước ta:

             Lợn 3 tháng tuổi nhiễm 35,5%

             Lợn 4 – 6 tháng tuổi nhiễm 96,6%

             Lợn 7 – 9 tháng tuổi nhiễm 91,6%

             Lợn trên 12 tháng tuổi nhiễm 100%

Cường độ nhiễm, có khi đến 1000 giun một buồng phổi

Phòng bệnh:

-  Chọn đất xây dựng chuồng trại: khô ráo, tránh ẩm ướt.

-  Quét dọn sân chơi, tập trung phân để ủ, ủ xa chuồng lợn.

Mùa hè mưa nhiều không thả lợn ở nơi ẩm ướt có nhiều giun đất.

-  Lợn nhỏ chưa bị nhiễm giun phổi nên thả ở sân chơi không bị ô nhiễm giun đất.

-  Lợn nái, đực giống… đã bị ô nhiễm giun phổi phải nuôi nhốt, không thả để tránh ô nhiễm sân chơi.

-  Chẩn đoán kịp thời, điều trị bằng Tetramysol.

Chữa trị:

Dùng một số thuốc sau:

- Iode               =  1g

 Iodur Kal        =  2 g

Nước cất 150 ml. Sau khi tan trong nước cất lọc qua 4 lớp vải màn hoặc giấy lọc sát trùng, cách thuỷ.

- Iode              =  1g

  IK                   =  2g

  Irocaine        =  2

Nước cất 1.500 ml, tiêm vào khí quản.

- Canathydrazide: liều dùng 15 – 25 mg/kg thể trọng, trộn lẫn thức ăn cho ăn 3 ngày liền, có hiệu quả đạt 97%.

- Dùng dipterex 96% tiêm vào khí quản. Thuốc pha thành dung dịch 10% tiêm 2 đợt cách nhau 30 ngày; mỗi đợt tiêm 2 lần cách nhau từ 1 – 3 ngày, mỗi lần tiêm vào một bên phổi. Liều dùng 0,5 ml/kg thể trọng, tối đa 10 ml cho 1 lần tiêm.

Thuốc cũng tác động đến giun đũa, giun tóc cũng bị tống ra.

- Tetramisol: liều 100 mg/kg thể trọng, cho uống, đạt hiệu quả 100%.

-  Levamisol: liều 6,5 mg/kg thể trọng, cho uống đạt hiệu quả 100%.

-  Mebendazol: liều 100 mg/kg thể trọng, cho uống đạt hiệu quả 89 – 100%. Nước ta đang có các loại: Mebendazol và Tetramisol.

-  Vermisol: tiêm bắp 1 ml cho 10 kg thể trọng

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình