Bệnh giun đầu gai lợn do Macracanthorhynchus hirudinaceus ký sinh ở ruột non lợn gây ra.
Giun đầu gai hình dài, đoạn trước to, đoạn sau nhỏ, màu trắng có vân ngang giống đốt giá. Trên đầu có vòi hút, trên vòi có 5 – 6 hàng móc. Móc này giống gai hoa hồng, dài 0,16 mm.
Giun đực dài 7 – 15 cm, giun cái dài 30 – 68 cm.
Ở nước ta, miền núi nhiễm bệnh này nặng. Huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, lợn nhiễm tới 66%, gây tác hại lợn còi cọc, chậm lớn, có nhiều trường hợp bị chết (An Khê, tỉnh Gia Lai 61%).
Quá trình phát triển của giun đầu gai cần có vật chủ trung gian.
Giun cái đẻ trứng ở ruột non, theo phân ra ngoài. Trứng đã hình thành ấu trùng có móc. Được vật chủ trung gian nuốt phải, tới ruột của vật chủ trung gian thì mất vỏ đi, chui vào thành ruột, tiếp tục phát triển thành ấu trùng gây nhiễm, chui vào các khoang cơ thể của vật chủ trung gian, tiếp tục các giai đoạn phát triển của giun đầu gai. Thời kỳ phát triển của ấu trùng trong cơ thể vật trung gian dài hay ngắn, tuỳ thuộc theo thời tiết.
Ấu trùng của vật trung gian biến thành nhộng gây nhiễm. Vì vậy khi lợn ăn phải ấu trùng nhộng gây nhiễm của vật chủ trung gian vẫn bị cảm nhiễm. Ấu trùng giun đầu gai có thể sống trong cơ thể vật trung gian từ 2 – 3 năm. Khi ấu trùng của vật chủ trung gian vào đường tiêu hoá lợn thì bị phân huỷ; giun đầu gai sẽ bám vào ruột non để phát triển đến trưởng thành từ 70 – 110 ngày. Tuổi thọ của giun khoảng 10 – 23 tháng. Do móc của giun bám vào thành ruột, gây tổn thương, có khi đục thành lỗ nhỏ, gây viêm phúc mạc. Ngoài ra, quá trình sinh sống giun thải ra các chất cặn bã, tiết độc tố gây cơ thể lợn bị trúng độc, gây triệu chứng thần kinh, lợn gầy còm, chậm lớn.
Triệu chứng – Bệnh tích:
Triệu chứng nặng hay nhẹ phụ thuộc mức độ nhiễm giun.
Khi nhiễm nặng từ ngày thứ 3 lợn ăn ít, ruột chuyển động mạnh, trong phân có lẫn máu, kiết lỵ. Con lợn nằm đứng không yên. Triệu chứng nặng dần, 4 chân duỗi thẳng. Khi ruột bị thủng thì triệu chứng nặng hơn. Nhiệt độ lên đến 400C, cơ thể gầy còm, bỏ ăn, đau bụng và có thể chết.
Khi nhiễm nặng thì hồng cầu và huyết sắc tố giảm, bạch cầu tăng, bạch cầu trung tính cũng tăng.
Mổ khám sau khi chết: Xác lợn gầy còm, niêm mạc nhợt nhạt. Ở ruột non có hàng trăm mụn to bằng hạt đậu màu vàng xám hoặc màu hồng. Chung quanh mụn này thành từng vòng xung huyết do giun đầu gai cắm vào thành ruột dầy lên, niêm mạc bị viêm xuất huyết hoặc có các sợi Fibrin, khi ruột bị vỡ thì trong xoang bụng có nhiều chất cặn bã và có nước nhờn màu vàng hơi sẫm.
Chẩn đoán:
Kiểm tra phân lợn theo phương pháp Secbovic để tìm trứng giun. Ngoài ra mổ khám, quan sát bệnh tích.
Phòng trị:
- Đối với lợn bột, một đời chỉ cần tẩy 1 lần khi tách mẹ với thuốc dipterex, atgard: liều dùng 0,15 g/kg. Trộn vào thức ăn ngoan, cho lợn ăn hết thuốc, tiếp tục cho lợn ăn hết khẩu phần còn lại.
- Đối với lợn chửa, lợn đang nuôi con và lợn con theo mẹ thì không tẩy.
- Đối với cơ sở nuôi tập trung nhiều lợn thì 3 – 4 tháng tẩy giun cho tất cả đàn lợn một lần với:
+ Lợn con mới tách mẹ.
+ Lợn nái mới cai sữa con.
+ Lợn nuôi thịt, lợn hậu bị, lợn đực giống.
- Chuồng trại phải hợp vệ sinh. Có hố lắng cặn 3 ngăn. Phân phải ủ để diệt mầm bệnh. Thực hiện vệ sinh tiêu độc định kỳ.
- Trị bệnh:
+ Dipterex 0,10 – 0,15 g/kg thể trọng trộn vào thức ăn.
+ Nicotin sulfate 0,25 ml/kg thể trọng trộn lẫn với 0,4 ml/kg thể trọng. |