Lợn đực giống sử dụng lấy tinh hoặc cho nhảy trực tiếp lên lợn nái vẫn thường xảy ra hiện tượng viêm nhiễm đường tiết niệu như: ống niệu quản, dương vật, bao dương vật và tinh hoàn.
Nguyên nhân:
- Do khi lấy tinh, dương vật lợn phải cọ xát vào âm đạo giả bằng cao su dễ bị xây xát và nhiễm trùng.
- Do lợn đực nhảy trực tiếp với lợn cái bị viêm nhiễm âm đạo và tử cung thì vi khuẩn gây nên nhiễm (liên cầu, tụ cầu, trùng roi…) sẽ truyền từ lợn cái sang lợn đực.
- Dụng cụ lấy tinh và môi trường sống của lợn đực bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh cũng dễ dàng đưa tới hiện tượng viêm đường tiết niệu và sinh dục của lợn đực.
Biểu hiện lâm sàng:
- Viêm niệu quản và bàng quang: Lợn đái giắt (đi tiểu ít và nhiều lần). Mỗi lần đi tiểu đều đau đớn, phải khom lưng. Trong nước tiểu có máu màu hồng hoặc đục trắng là do có mủ và mảnh tổ chức nơi viêm tróc ra.
- Viêm dương vật: dương vật sưng to, đôi khi tòi ra ngoài bao dương vật. Xung quanh dương vật có dịch mủ đục trắng. Mỗi lần đi tiểu lợn rên rỉ, đau đớn.
- Viêm tinh hoàn: tinh hoàn bị nhiễm khuẩn, thường do liên cầu và tụ cầu làm sưng đỏ và thủng nước. Con lợn ít hoạt động để tránh sự va chạm vào vùng tinh hoàn đau đớn.
Điều trị:
- Điều trị theo nguyên nhân thì dùng kháng sinh để kiềm chế và diệt các vi khuẩn, trùng roi (Trichomonas) theo 1 trong 2 phác đồ sau:
Phác đồ 1 do vi khuẩn gây bệnh:
+ Streptomycin 1g/lọ: dùng 20 – 30mg cho 1 kg lợn hơi, tiêm liên tục từ 3 – 5 ngày.
+ Penicillin 500.000 UI/lọ: dùng 10.000 – 20.000 UI cho 1 kg lợn hơi, phối hợp với Streptomycin trên, liên tục tiêm 3 – 5 ngày.
+ Kết hợp thuốc hỗ trợ tăng khả năng thải nước tiểu lợn:
Vitamin B1, Caféin
Hypothiazide cứ 1 viên 5 mg cho 10 kg lợn hơi một ngày.
Phác đồ 2 do vi khuẩn và trùng roi gây ra:
+ Kanamycine 1g/lọ: dùng 20 – 30 mg cho 1 kg lợn hơi, tiêm bắp, dùng 4 – 5 ngày liền.
+ Chlorocid 0,25 g/viên: dùng liều 20 mg/kg lợn hơi, cho uống phối hợp với kháng sinh trên, liền 4 – 5 ngày.
+ Kết hợp sử dụng thuốc hỗ trợ như phác đồ 1/
- Chăm sóc:
+ Cho ăn đủ dinh dưỡng thức ăn, chú ý đủ rau xanh củ quả để tăng thải nước tiểu.
+ Vệ sinh chuồng trại và môi trường chung quanh tránh lây ô nhiễm sang lợn khoẻ.
+ Trong thời gian bị bệnh không được lấy tinh hoặc giao phối trực tiếp với lợn nái. |