Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích nào là điển hình nhất ở bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB)? Cách phân biệt với các triệu chứng ho hen giữa viêm phế quản với những bệnh hô hấp khác như thế nào?

Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB) thường xuất hiện ở gà vào 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: lúc gà từ 2 – 40 ngày tuổi với tốc độ lây lan rất nhanh, bệnh luôn ở thể cấp tính với tỷ lệ chết là rất cao tới 40%. Sau 1/5 tháng tuổi tỷ lệ chết không quá 15 – 17%.

Giai đoạn 2: Bệnh xảy ra lúc gà đẻ cao nhất, gây giảm đẻ sản lượng trứng trong khi đàn gà vẫn ăn uống khoẻ mạnh bình thường.

Bệnh IB ở gà con từ 2 – 45 ngày tuổi.

Ngay sau khi virut cường độc gây bệnh thâm nhập vào cơ thể, chúng bám vào biểu bì lông mao khí quản. Sau đó chúng thâm nhập vào đường huyết gây hiện tượng nhiễm trùng huyết. Đối với gà để các virut khu trú và tồn tại rất lâu trong các cơ quan sinh dục (buồng trứng, ống dẫn trứng, tinh hoàng và ống dẫn tinh trùng) làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành trứng, là nguyên nhân dẫn đến tụt sản lượng trứng và giảm chất lượng phôi.

Do lông mao bị hoại tử, nên gà thở rất khó, gà phải há mồm thở dốc kèm theo tiếng rít mạnh (đôi khi phát ra tiếng giống như tiếng sáo diều). Virut vào đường máu gây nhiễm trùng huyết, gà bị sốt, ủ rũ, kém ăn, uống rất nhiều nước gây rối loạn, bài tiết và chức năng thận, thận bị viêm chứa rất nặng, bị phù nề và lồi rõ lên, 2 ống dẫn nước tiểu chứa đầy u rát. Nếu bị bội nhiễm nước với E. Coli thì gà càng khó thở. Bệnh bùng phát bất ngờ và lây lan cực kỳ nhanh chỉ sau 1 – 2 ngày cả đàn đã bị bệnh.

Tỷ lệ chết do bệnh IB gây ra khá thất thường

Có đàn bệnh nhanh chóng khỏi sau 5 – 10 ngày phát bệnh mà hầu như không chết con gà nào.

Có trường hợp gà chết nhiều, tỷ lệ chết tới 30 – 40%. Đặc biệt là IB thể thận.

Gà khỏi bệnh chậm lớn nhưng hay bị rối loạn hô hấp và có miễn dịch kháng bệnh bền vững. Vì thế bệnh viêm phế quản không tái phát lại. Trứng của những đàn gà đã khỏi bệnh chứa một hàm lượng kháng thể thụ động khá cao đủ để bảo hộ cho gà mới nở không bị bệnh IB trong 1 – 2 tuần đầu.

Bệnh IB ở gà mái đẻ.

Gà lớn bị bệnh, đặc biệt là gà đẻ hầu như không có dấu hiệu lâm sàng nào về đường hô  hấp.

Một biểu hiện duy nhất là gà đột nhiên giảm đẻ, sản lượng trứng giảm 20 – 70% so với lúc bình thường. Những người làm công tác chăn nuôi hết sức ngạc nhiên khi thấy đàn gà hoàn toàn khoẻ mạnh, không có những thay đổi gì về thức ăn, nước uống, về chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng… vậy mà mỗi ngày trước đó. Nếu quan sát kỹ chúng ta có thể thấy trứng của những đàn gà bệnh rất dễ vỡ. Vỏ trứng mỏng, xù xì, méo mó…

Hiện tượng giảm sản lượng và chất lượng trứng như đã nêu trên kéo dài hàng tháng. Mọi sự nỗ lực can thiệp của các cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y chẳng giúp được gì cho người chủ đàn gà bệnh, cho dù họ đã thay đổi thức ăn tốt hơn, đã bổ sung thêm các nguyên tố vi lượng…

Sau thời gian giảm đẻ hàng tháng như vậy, tỷ lệ đẻ có thể dần dần được nâng lên, nhưng khó có thể đạt được 50% lúc chưa xảy ra bệnh.

Mổ khám bệnh IB chúng ta thấy:

Khí quản và phế quản chứa nhiều dịch nhầy.

Gạt bỏ dịch nhầy thấy niêm mạc bị phù nề đỏ tấy.

Phổi bị dồn máu và chứa nhiều nước.

Khi bị bội nhiễm E. Coli thì túi khí đục và có màng Fibrin bao phủ.

Thận bị viêm nặng, màu lốm đốm trắng bệch, 2 ống dẫn nước tiểu chứa đầy urat. Bệnh IB ở thể thận thường gây chết rất nhiều gà.

Ở gà đẻ còn có những biến đổi rõ ở buồng trứng. Buồng trứng và trứng non có màu đỏ thẫm. Độ dài của ống dẫn trứng giảm rõ rệt: ngắn và mỏng hơn nhiều so với bình thường.

Nhiều trường hợp trứng non bị dập và gây viêm dính phúc mạc.

Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm cần được phân biệt với các bệnh có triệu chứng hen thở là:

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT).

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm chỉ xảy ra ở gà trên 5 tuần tuổi (5 – 12). Gà con dưới 5 tuần tuổi không bị bệnh. Ho hen của thanh khí quản theo từng cơn ngạt. Sau cơn ngạt gà tươi tỉnh trở lại như không có bệnh. Viêm thanh khí quản không có những biểu hiện ở mắt, ở túi khí và phế quản.

Bệnh ILT cũng gây giảm đẻ, nhưng không nặng nề lắm và cũng không có những biến đổi ở buồng trứng và ống dẫn trứng như bệnh IB.

Bệnh hen gà (CRD).

Bệnh hen gà xảy ra ở mọi lứa tuổi và nặng nhất là ở gà con từ 1 – 3 tháng tuổi. Bệnh phát ra chậm chạp từ từ sau 7 – 10 ngày có thể cả đàn sẽ bị mắc. Các triệu chứng ho khoẹt, xoặc xoặc nghe rất rõ và cũng dễ bị bội nhiễm bởi E. Coli và vì thế gà ỉa phân xanh, xanh trắng. Có một số gà bị viêm khớp đi lặc. Tỷ lệ mắc bệnh rất cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp 5 – 7%, nếu bị bội nhiễm có thể lên đến 15 – 20% nhưng so với IB thì rất thấp. Gà đẻ cũng có hiện tượng giảm đẻ nhưng không thiệt hại như IB. Khi dùng CRD Polyvitamin, CCRD – Năm Thái, Anti – CRD hay Tylosin, Tiamulin thì bệnh giảm hẳn, trong khi ở IB thuốc ít tác dụng

Bệnh sổ mũi truyền nhiễm (CI).

Điểm khác nhau chủ yếu giữa viêm phế quản truyền nhiễm và sổ mũi truyền nhiễm ở chỗ: các biểu hiện và biến đổi của sổ mũi truyền nhiễm thường tập trung ở đường hô hấp trên, viêm niêm mạc cổ họng, mũi, đặc biệt là viêm các xoang má, xoang mũi, xoang trán và túi nước mắt làm cho đầu gà bị sưng méo mó vì thế bệnh còn có tên là bệnh sưng phù đầu. Viêm niêm mạc mi mắt, xung quanh mắt đỏ tấy, khi dùng kháng sinh nhất là các loại Sulfonamid thì bệnh nhanh khỏi.

Bệnh Niu – cat – xơn.

Bệnh Niu – cat -  xơn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi gây chết rất nhiều gà. Hen khoẹt luôn kèm theo tiếng “toóc”. Ngoài ho hen ra gà có những biểu hiện thần kinh. Các bệnh tích tập trung ở đường ruột (xem câu tiếp theo).

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình