Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Biểu hiện bệnh cúm gia cầm như thế nào ở gà, vịt, ngan, cút…

Như câu Bệnh cúm gà và bệnh cúm gia cầm giống và khác nhau ở điểm gì? Những gia súc nào thường hay bị cúm? đã phân tích biểu hiện bệnh cúm gia cầm phụ thuộc rất nhiều vào độc lực của virut gây bệnh và tuổi gia cầm mắc bệnh.

Căn cứ vào tính bất thường của “virut quái” (virut cúm gà) mà chúng ta phải chấp nhận 256 kiểu dạng cúm. Cho đến tại thời điểm này các nhà khoa học trên toàn thế giới đang dựa vào mức độ biểu hiện, tỷ lệ mắc và chết do cúm gây ra để phân dạng cúm gà thành 2 loại:

Loại có độc lực cao với biểu hiện bệnh rõ rệt, tốc độ lây lan nhanh và gây chết tới 100% gà mẫn cảm, được gọi là cúm gà thể độc lực cao, viết tắt HPAI (Hight Pathogenic Avian Inflyenza).

Loại có độc lực thấp và trong nhiều trường hợp gà cúm xảy ra mà ta không quan sát được vì thiếu những biểu hiện lâm sàng rõ rệt, viết tắt là LPAI (Low Pathogenic Avian Inflyenza).

A. Đặc điểm dịch tễ bệnh cúm gà cuối năm 2003 - đầu năm 2004 ở Việt Nam.

Tuổi gia cầm mắc bệnh.

Gia cầm ở mọi lứa tuổi đều có thể bị cúm. Những tuổi dễ mắc bệnh cúm và bệnh phát ra ở thể lâm sàng (thể độc lực cao – HPAI) một cách ồ ạt, khốc liệt với tỷ lệ chết cao đã được Lê Văn Năm nghiên cứu và công bố trong tạp chí KHKT thú y số 2 năm 2004, trang 86 như sau:

Đã quan sát thấy bệnh cúm gia cầm ở gà, vịt, ngan, gà tây, cú và vẹt trong đợt dịch 2003 – 2004 ở thể cấp tính loại HPAI. Bệnh cúm đã xảy ra ở tất cả các giống dòng ở gà, vịt, ngan… hoàn toàn như nhau, đã gây chết từ 70 – 100% số gia cầm mắc bệnh.

Tuổi gia cầm mắc bệnh

+ Sớm nhất: ở gà là 26 ngày tuổi, ở vịt là 28 ngày tuổi, ở ngan Pháp là 24 ngày tuổi.

+ Muộn nhất: ở gà là 10 tháng tuổi, ở vịt là 18 tháng tuổi, ở ngan Pháp là 14 tháng tuổi.

Đường lây truyền.

Khi gia cầm bị nhiễm virut cúm thì chỉ sau đó vài giờ các virut cúm sinh sản rất nhanh bằng cách tự nhân đôi ngay trong đường hô hấp và tiêu hóa và trực tiếp bài xuất virut trưởng thành qua đường miệng ở dạng dãi đờm, đường hô hấp qua bọt khí dung, đường bài tiết qua phân.

Vì thế con vật khoẻ bị lây nhiễm chủ yếu qua con đường tiếp xúc trực tiếp.

Nhưng gia cầm cũng bị nhiễm bệnh qua đường miệng vì ăn, uống phải phân, nước uống, thức ăn, chất độn bị ô nhiễm, đáng lưu ý nhất là môi trường bị nhiễm bởi chất thải của chim thú hoang dã, lồng nhốt, quần áo, dụng cụ bị ô nhiễm…

Mùa vụ, khí hậu:

Bệnh cúm xảy ra quanh năm nhưng ở nước ta bệnh dễ dàng bùng phát về mùa đông và mùa hè oi bức hơn vì những tháng này rất phù hợp cho chim di cư hoang dã từ các vùng xứ quá lạnh hoặc những nơi quá nóng tìm đến.

Vai trò mang bệnh của động vật khác loài.

Nếu như trong một trại nuôi nhiều loại gia cầm với các lứa tuổi khác nhau đã làm tăng tính nguy cơ phát bệnh lên nhiều lần thì việc nuôi chung gia cầm với các động vật khác như lợn, ngựa, hải cẩu… đã dễ dàng bịt mắt chúng ta để rồi bệnh cúm xảy ra trong bất cứ hoàn cảnh, mùa vụ khí hậu nào.

Khoa học đã chứng minh: lợn, ngựa, chồn, mèo, hải cẩu kể cả người mang mầm bệnh nhưng bệnh lại có thể không xảy ra nhưng dễ dàng truyền mầm bệnh cho gia cầm mẫn cảm để bệnh bùng phát bất cứ lúc nào.

Nguy hại hơn là những loại động vật có vú kể trên có thể mang 1 - 2 loại virut cúm khác nhau nhưng không những chúng không phát bệnh mà còn là môi trường sống lý tưởng để các virut cúm đó trao đổi gen, tái tổ hợp chéo tạo ra những chủng virut cúm gia cầm có độc lực cao hơn rất nhiều so với gốc của chúng để gây bệnh với tính chất dồn dập hơn, khốc liệt hơn không chỉ đối với gia cầm mà ác tính hơn đối với con người

B. Bệnh cúm gia cầm thể độ lực cao HPAI) có những biểu hiện sau:

Biểu hiện bệnh cúm ở gà.

Mặc dù đến thời điểm 5/2/2004 chúng ta đã xác định được căn nguyên gây dịch cúm gia cầm ở nước ta là do virut type A H5N1, nhưng các diễn biến và biểu hiện bệnh lại vô cùng phức tạp và phong phú ngay trên cùng một loài gia cầm.

* Các biểu hiện bệnh cúm ở gà từ 3 tuần tuổi đến 2 tháng tuổi.

Lúc đầu mới phát bệnh gà sốt cao.

Nước mắt, nước miệng chảy giàn dụa.

Gà rất khó thở, nên phải há mồm thở dốc, có nhiều gà phải vướn cao, vướn dài cổ để hít khí, thỉnh thoảng có những gà vảy mạnh mỏ khạc đờm nhầy đặc, đôi khi có lẫn máu rất giống như ở bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm nhưng cách ho, tiếng ho lai rất giống CRD.

Mào và tích gà thường bị tụt thâm tím và quăn lại ít khi thấy phù nề như ở gà lớn hoặc gà đẻ.

Xuất huyết dưới da ống chân, kẽ ngón chân là biểu hiện đặc trưng.

Gà lười vận động, hay nằm, nhiều gà đi không vững, run rẩy khi xua đuổi, có một số gà đầu và cổ bị co giật hoặc lắc lư không bình thường.

Cả đàn ăn giảm rõ rệt, uống nhiều nước và tiêu chảy nặng phân loãng trắng hoặc loãng xanh. Sức khoẻ đàn gà suy nhanh, gà chết ồ ạt, tỷ lệ chết khá cao thường từ 70 – 100% trong vòng 2 – 10 ngày.

* Các biểu hiện bệnh cúm ở gà từ 3 – 10 tháng tuổi đặc biệt là ở gà sắp đẻ và đang đẻ.

Bệnh nổ ra đột ngột và diễn biến nhanh và luôn ở thể cấp tính.

Đàn gà đang bình thường bỗng nhiên thấy vài con sốt cao, mào và tích bị thâm tím, phù nề rất nhanh và thấy rõ xuất huyết dưới da, ria mép mào và tích.

Ngay sau đó có nhiều gà rất khó thở, chúng thường hay lắc đầu, vảy mỏ hoặc rướn cổ để hít khí hoặc cố sức khạc đờm dãi, đờm dãi thường đặc quánh và đôi khi lẫn máu.

Các biểu hiện thần kinh thể hiện khá rõ: gà chạy tán loạn, có con bỗng dưng nhảy xốc lên rồi lăn đùng dãy dụa, xoay vòng một lúc rồi chết. Có một số gà lại nằm bẹp không có biểu hiện ốm nhưng lại chết rất nhanh trong khi những gà khác còn lại trong đàn vẫn đang ăn uống hầu như bình thường. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng không bị cúm. Chỉ sau 1 – 2 ngày chúng ăn kém hẳn đi, uống nhiều nước và tiêu chảy phân loãng trắng lẫn loãng trắng xanh

Xuất huyết dưới da ống chân, kẽ ngón chân luôn tìm thấy ở những gà ốm sắp chết và chết.

Bệnh phát triển nhanh, mạnh: chỉ 3 – 4 giờ đến 1 - 2 ngày đã có rất nhiều gà bị chết.

Sản lượng trứng bị tụt rất mạnh và nhiều đàn tắt đẻ hoàn toàn.

Bệnh cúm ở vịt và ngan.

Chúng tôi đã quan sát được bệnh cúm ở vịt sớm nhất lúc 26 ngày tuổi (2003) và cao nhất lúc 18 tháng tuổi (12/2003). Bệnh tập trung ở vịt từ 2 -11 tháng tuổi, thường xuyên và nặng nhất là ở vịt, ngan đẻ cũng với các triệu chứng thuộc hệ hô hấp, tiêu hóa, thần kinh và sinh sản giống như ở gà nhưng khác với gà là các triệu chứng hen thở nhẹ hơn.

* Về hô hấp: Ngan, vịt bị cúm chảy nước mắt, nước mũi. Mắt bị viêm giác mạc và có rỉ ở mắt. Sau đó không lâu chúng khó thở, khó chịu, khi sờ khám ngan, vịt sốt cao (tức là vừa mới bị bệnh). Chỉ sau 1 – 2 ngày bị bệnh thân nhiệt giảm và trở lại bình thường nhưng nhiều con đã khản tiếng thậm chí bị lạc giọng, lúc đó ngan vịt bắt đầu chết.

* Về tiêu hóa: Ngay sau khi bị sốt; ngan vịt giảm ăn và bỏ ăn. Chúng bị tiêu chảy nặng. Phân loãng trắng như phân cò, đôi khi có phân trắng xanh. Xung quanh lỗ huyệt bẩn. Niêm mạc hậu môn bị phù nề và xuất huyết nặng.

* Về sinh sản: Chỉ sau 1 – 2 ngày bị bệnh sản lượng trứng giảm rõ rệt, nhiều ngan, vịt tắt đẻ hoàn toàn.

* Về thần kinh:

Rất nhiều ngan vịt lười vận động, lười đi lại và hay nằm ngay từ khi vừa mới bị bệnh, chúng nhanh chóng bị bại chân, bại cánh đi không vững, run rẩy. Khi bị xua đuổi chúng cố sức chạy rê cả chân đã bị co cứng hoặc doãi thẳng cứng. Đầu và cổ vươn dài lắc lư về các phía trông rất thê thảm.

Ngan vịt gầy sút nhanh và chết cũng rất nhanh. Bệnh kéo dài 1 – 7 ngày và tỷ lệ chết gần như 100%. Chúng tôi đã quan sát thấy rất nhiều đàn ngàn siêu thịt ngan Pháp, ngan vịt đẻ bệnh xảy ra hết sức nhanh và chỉ nữa ngày (10 – 12 giờ) sau khi phát bệnh đã chết là 100% số ngàn vịt có trong chuồng.

Bệnh cúm ở cút, vẹt.

Khi chúng tôi đến hiện trường một đàn 3000 con cút đẻ ở ngay sát Hà Nội thì đã có 781 con đã chết trước đó. Đàn cứ vừa tròn 7 tháng tuổi với các triệu chứng ho hen, tiêu chảy, phân loãng trắng xanh ăn rất kém. Chúng ngơ ngác thiếu linh hoạt, có nhiều con ngồi, co rúm các ngón chân, khi bị xua bắt trong lồng có một số cút rê chuyển bằng cả khuỷu chân. Đàn cút mới bị bệnh mới đó 2 ngày và giảm đẻ rõ rệt từ 85% xuống còn dưới 15%, có khi nhiều trứng trắng khác màu cơ bản.

Ở vẹt: chúng tôi đã trực tiếp nhận 5 vẹt chết của 1 người dân buôn chim cảnh từ Hà Nội sang Trung Quốc và ngược lại. Họ kể rằng sáng sớm họ cho vẹt ăn thấy chúng vẫn ăn và tươi tỉnh bình thường nhưng lúc 9 giờ đã có 5 con trên tổng số 130 vẹt bị chết và họ vội vã đem đến 88 Trường Chinh để mổ khám nhờ chữa trị. Thấy đây là 1 đàn vẹt rất nhiều khả năng bị cúm chúng tôi liền theo chủ vẹt về xem xét, nhưng đến nơi thì chúng đã chết gần hết, lúc đó là hơn 11 giờ. Những vẹt còn sống sót bị sốt rất cao, không ăn, trên sàn chuồng có nhiều phân loãng trắng xanh bám dính, chủ gia đình thông báo: ngay từ sáng đã không thấy vẹt kêu hót, lúc khoảng 9 giờ 30 thấy 1 số vẹt bay nhảy, chạy nhảy không bình thường, cả đàn vẹt uống nước và vẹt chết rất nhanh như bị ngộ độc.

Tuy nhiên khi khám chúng tôi thấy các biến đổi bệnh lý đặc trưng cho bệnh cúm gia cầm

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình