Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Bệnh cầu trùng là gì? Lâm sàng bệnh cầu trùng giống và khác nhau với cầu trùng ghép coli bại huyết ở chỗ nào?

A/ Bệnh cầu trùng gà.

Định nghĩa bệnh cầu trùng.

Bệnh cầu trùng gà là một bệnh ký sinh trùng truyền nhiễm phổ biến ở gà nuôi theo lối tập trung công nghiệp.

Bệnh gây nhiều thiệt hại về kinh tế:

Ở gà con:

Bệnh làm tăng số gà còi cọc, chậm lớn.

Bệnh gây giảm khả năng kháng bệnh của cơ thể.

Bệnh gây chết từ 30-100% số gà (nếu không điều trị kịp thời)

Ở gà đẻ:

Bệnh cầu trùng là nguyên nhân giảm năng suất trứng từ 10-30% và là nguyên nhân gây tiêu chảy hàng loạt. Kể cả ở gà con và gà lớn, bệnh cầu trùng đều làm tăng chi phí chăn nuôi: Khối lượng thức ăn tăng cao trong khi thịt và trứng đều bị giảm mạnh. Mỗi năm trên thế giới phải chi thêm 300 triệu USD bằng khoảng 4500 tỷ đồng tiền thuốc cho việc phòng và trị bệnh cầu trùng.

Nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh cầu trùng là do một loại đơn bào họ Coccidac gây ra vì thế bệnh có tên khoa học là Coccidiosis Avium. Nói chính xác hơn bệnh cầu trùng do gần chục chủng Eimeria tạo nên, chúng gồm:

Eimeria Tenella

Eimeria Necastrix

Eimeria Acervulina

Eimeria Magna

Eimeria Mivati

Eimeria Bruneti

Eimeria Maxima

Eimeria Praecox

Mỗi loại Eimeria thường ký sinh ở một giai đoạn ruột non nhất định:

E.Tenella thường ký sinh ở ruột thừa (ruột mù).

E.Acervulina và E.Mivati thường khu trú ở đoạn dưới tá tràng và trên không tràng.

E.Necastrix thường sống ở đoạn giữa của không tràng và hồi tràng.

E.Maxima khu trú ngày giữa không tràng.

E.Bruneti thì ký sinh ở giữa đoạn cuối không tràng và kết tràng.

Căn cứ vào nơi cư trú mà khi bệnh xảy ra chúng ta có thể kết luận được loại Eimeria nào gây nên bệnh. Trong những loại Eimeria kể trên thì Eimeria Tenella là nguy hiểm nhất (cầu trùng ruột mù).

Dịch tễ bệnh cầu trùng.

Tuy là bệnh ký sinh trùng được phát hiện cách đây gần 370 năm nhưng cầu trùng truyền nhiễm vô cùng nguy hại, bệnh lây lan rất nhanh trong đàn gà chủ yếu qua đường miệng.

Khi noãn nang cầu trùng theo phân ra ngoài gặp không khí chúng tạo thành bào tử, để có thể tồn tại và tiếp tục phát triển trong điều kiện khắc nghiệt ngoài cơ thể. Các bào tử đó sống rất lâu là mầm bệnh nguy hiểm, chúng dễ dàng phát tán gây ô nhiễm môi trường xung quanh, để rồi từ đó lây nhiễm ra các khu vực chăn nuôi khác.

Bệnh cầu trùng xảy ra ở gà từ 10 ngày tuổi trở lên.

Mọi dòng giống gà và mọi lứa tuổi gà đều có thể bị bệnh. Song bệnh thường thấy nhất ở gà con từ 10-60 ngày tuổi nặng ở gà 15-45 ngày tuổi.

Các yếu tố bất lợi như: Chuồng trại ẩm thấp, kém thông thoáng, vệ sinh chăn nuôi không đảm bảo, mật độ đông, khí hậu nhiệt đới có tác dụng thúc đẩy bệnh dễ bùng phát và nặng nề hơn.

Cơ chế phát triển và sinh bệnh cầu trùng.

Sau khi noãn nang cầu trùng theo phân ra ngoài, chúng tự tạo vỏ bọc trở thành bào tử nang hình thành ra 4 tiền bào tử con. Khi gà ăn uống, phải những bào tử đó dưới tác dụng của dịch dạ dày ruột, vỏ bào tử bị phá vỡ và giải phóng ra 4 bào tử chưa chín. Chúng lập tức chui vào và ký sinh trong các tế bào biểu bì ruột, mật, thận. Trong các tế bào đó chúng sinh sản bằng cách tự nhân đôi. Như vậy chỉ trong 1 thời gian rất ngắn trong mỗi tế bào biểu bì ruột, ống ruột, ống mật, thận có hàng trăm hàng ngàn căn nguyên cầu trùng non - ta gọi chúng là thể phân lập thế hệ I. Với tốc độ sinh sản nhanh như thế chúng phá vỡ cấu trúc tế bào biểu bì ruột, mật, thận, chui ra ngoài và tiếp tục thâm nhập bào hàng triệu tế bào biểu bì mới niêm mạc ruột, mật, thận,… Trong các tế bào biểu bì đó các thể phân lập thế hệ I đó tiếp tục phát triển và sinh sản theo cách tự nhân đôi và tạo ra các thể phân lập thế hệ thứ II. Cứ như thế theo kiểu phản ứng dây chuyền hạt nhân, chúng hình thành nên thể phân lập thế hệ III, IV… Và cũng theo cách đó chúng phá hủy cấu trúc tế bào biểu bì ruột gây ra viêm xuất huyết niêm mạc ruột. Đến thể phân lập cuối cùng (tùy theo loại cấu trùng) chúng hình thành giao tử đực và cái. Giao tử cái bao giờ cũng lớn hơn giao tử đực. Sau khi phát triển đạt đến mức nhất định thì giao tử đực chui vào giao tử cái để hình thành quá trình thụ tinh sinh sản hữu tính. Các giao tử đực và cái được bọc chung một vỏ bọc mềm và khi ấy chúng được gọi là noãn nang cấu trùng. Các noãn nang đó chui ra khỏi tế bào biểu bì và rơi vào lòng ruột, kết thúc 2 giai đoạn phát triển cầu trùng trong cơ thể gà. Giai đoạn 3 bắt đầu khi noãn nang theo phân ra ngoài và chúng phát triển ở ngoài cơ thể, chúng sống trong môi trường thiên nhiên như đã nói ở phần đầu.

Tóm lại: Quá trình phát triển cầu trùng gồm 3 giai đoạn: Bào tử nang  thể lập thế hệ I, II, III (giai đoạn I) - Giao tử - noãn nang (giai đoạn II); noãn nang - bào tử nang (giai đoạn III).

Trong giai đoạn I và II là thời kỳ nung bệnh và phát triển bệnh cầu trùng trong cơ thể của gà. Giai đoạn III là nguồn bệnh.

Việc hàng loạt tế bào biểu bì ruột bị phá vỡ không những gây viêm xuất huyết, chảy máu mà còn mở cửa thuận lợi cho những nhiễm trùng thứ phát và phổ biến nhất là E.coli gây nên bệnh ghép nguy hiểm cấp tính.

Triệu chứng bệnh cầu trùng.

- Thời kỳ bệnh từ 4-7 ngày, do đó bệnh cầu trùng thường thấy ở gà từ 10 ngày tuổi trở lên.

- Bệnh có thể biểu hiện là cấp tính phụ thuộc chủ yếu và khối lượng cầu trùng, chủng loại cầu trùng thâm nhập vào cơ thể và tuổi gà mẫn cảm.

Thể cấp tính:

+ Sau thời gian nung bệnh, cả quá trình diễn biến mà người ta ghi nhận được qua các biểu hiện lâm sàng chỉ kéo dài từ 3-7 ngày.

Lúc đầu gà giảm ăn, buồn ngủ, gà ỉa ra phân loãng sống (thức ăn không tiêu hoá hết).

Khi có hiện tượng viêm xuất huyết trong ruột thì gà uống rất nhiều nước, đứng cù rù, lẻ loi hoặc tụm đống lại một góc chuồng. Quan sát những gà đứng chúng ta thấy cổ gà rụt, mắt nhắm nghiền, 2 cánh sã chạm gần sát nền (khoác áo tơi), lúc này  phân gà sệt màu sáp nâu có gợn máu. Gà nhợt nhạt và rất yếu vì thiếu máu.

 Khi vạch hậu môn gà để khám thỉnh thoảng chúng ta thấy có dính máu hậu môn.

Một số gà có biểu hiện thần kinh liệt hoặc bán liệt chân hoặc cánh.

Thể cấp tính gây chết gà trong thời gian 3-4 ngày, tỷ lệ chết 70-80% số gà bệnh (nếu không điều trị kịp thời), số gà còn lại chuyển sang mãn tính.

Thể mãn tính bệnh cầu trùng.

Thể mãn tính bệnh cầu trùng do 3 trường hợp mang lại: 

Số gà ốm cấp tính còn sống chuyển sang bệnh mãn tính.

Đàn gà đã được phòng cầu trùng bằng một số loại thuốc, nhưng do dùng thuốc không đúng quy trình hoặc không đủ liều phòng.

Tuổi gà càng cao thì gà có sức đề kháng càng tốt, cho nên trong những trường hợp này bệnh cầu trùng mãn tính thường thấy ở gà lớn (2-3 tháng tuổi trở lên).

Các biểu hiện thể mãn tính hoàn toàn giống như thể cấp tính nhưng ở mức độ nhẹ hơn:

Gà kém ăn, uống nhiều nước, ỉa chảy loãng phân sống lúc đầu, sau đó phân màu nâu gợn máu hoặc lẫn máu.

Gà thiếu máu nhợt nhạt, xù lông hay nằm tụm đống kêu khác lạ một cách yếu ớt. Gà gầy xọp đi rất nhanh. Nếu chúng ta không kịp thời thì một phần gà (15-30%) sẽ chết. Bệnh kéo dài hàng tuần phụ thuộc vào tuổi gà bị bệnh.

Thể mang trùng.

Gà lớn mang mầm bệnh tuy nhiên các dấu hiệu bệnh ít và ít được chú ý: Gà vẫn ăn uống bình thường nhưng thi thoảng bị ỉa chảy có vẻ như vô ý. Ở gà đẻ sản lượng trứng bị tụt 15-20% nhưng người chăn nuôi không rõ nguyên nhân.

B. Cầu trùng ghép E.coli bại huyết ở gà.

Bệnh cầu trùng ghép coli bại huyết thường xảy ra ở gà con và chủ yếu ở gà từ 18-45 ngày tuổi. Bệnh ghép gắn liền với cường độ nhiễm noãn cầu trùng thâm nhập vào cơ thể gà. Chúng phá hủy đồng loạt hàng triệu tế bào  biểu bì niêm mạc ruột tạo điều kiện cho E.coli chủng O phát triển và chui vào đường huyết gây nhiễm trùng huyết cấp tính. Trong đường máu E.coli không phát triển khi chúng chết và phân hủy thì giải phóng ra một loại độc tố gọi là Endotoxin. Loại độc tố này tiếp tục phá vỡ hồng cầu và thành mạch máu gây xuất huyết nặng. Độc tố Endotoxin còn gây tác hại đến thần kinh làm cho gà bị rối loạn hệ vận động và toàn thân bị nhiễm độc cấp. Thời gian phát bệnh rất ngắn 1-2 ngày. Vì thế chúng ta dễ dàng nhìn thấy đàn gà đang béo tốt, khoẻ mạnh bình thường bỗng dưng ỉa chảy ra máu tươi toàn phần rồi chết. Một số khác có sức khoẻ tốt thì chỉ 2-3h sau khi ỉa ra máu tươi nay chuyển sang ỉa phân đen. Nếu chúng ta không chữa trị ngay thi 6-8h sau chúng cũng sẽ chết. Những gà chết do cầu trùng ghép E.coli bại huyết bao giờ xác vẫn còn béo tốt, thịt và các cơ quan khác (ngoài ruột) hầu như hoàn toàn bình thường. Tỷ lệ chết do bệnh ghép rất cao 100% toàn bộ diễn biến bệnh ghép chỉ kéo dài 1-2 ngày.

C. Các nét biểu hiện giống và khác nhau giữa cầu trùng và cầu trùng ghép E.coli bại huyết.

Bệnh cầu trùng và bệnh cầu trùng ghép E.coli bại huyết giống nhau ở chỗ thể cấp tính của bệnh cầu trùng và cầu trùng ghép E.coli bại huyết có quá trình diễn biến rất nhanh, cùng ỉa ra máu tươi và tỷ lệ chết rất cao.

Nhưng nếu chúng ta xem kỹ diễn biến thì thấy: dù ở thể cấp tính bệnh cầu trùng diễn ra trong cả một quá trình dài và các biểu hiện nối tiếp nhau từ khi gà kém ăn, ủ rũ, lông xù, uống nhiều nước, ỉa phân sống loãng dẫn đến đặc quánh gợn máu, lẫn máu và cuối cùng là máu. Trong thời gian này gà yếu dần, bỏ ăn hoàn toàn, thiếu máu nhợt nhạt, gầy xọp rồi mới chết. Trong khi bệnh cầu trùng ghép coli bại huyết không có quá trình diễn biến bệnh như mô tả ở trên và đột nhiên gà ỉa ra máu tươi rồi gà chết ngay hoặc chết sau đó mấy tiếng đồng hồ sau khi gà ỉa ra phân đen. Lúc chết gà không bị gầy, không thiếu máu, xác gà còn béo tốt nguyên vẹn như chưa bị bệnh. Quá trình diễn biến và kết thúc bệnh cầu trùng ghép E.coli bại huyết cũng nhanh hơn chỉ 1-3 ngày, trong khi cầu trùng cấp xảy ra kéo dài từ 3-7 ngày. Cầu trùng ghép E.coli bại huyết có tỷ lệ chết cũng cao hơn gần 100% trong khi cầu trùng cấp tỷ lệ chết chỉ 70-80%

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình