Loại 1: thường lưu hành trong gà Tây nhưng không gây bệnh cho gà Tây và gà ta gọi tắt là HVT. Các nhà khoa học trên thế giới đã dùng virus loại này để chế tạo vacxin phòng bệnh Marek cho gà ta.
Loại 2: có rất nhiều chủng với độc lực rất khác nhau lưu hành và gây bệnh ung thư truyền nhiễm ở gà ta gọi tắt là MDV.
Phụ thuộc vào độ độc lực MDV người ta chia chủng thành 3 loại:
Loại có độc lực rất cao, gây bệnh Marek ác tính và cấp tính làm chết trên 50% số gà giò, hậu bị và gà đẻ. Nếu gây bệnh thực nghiệm có thể gây chết 100%.
Loại có độc lực trung bình thường gây bệnh Marek cổ điển (mãn tính) và làm chết từ 5 – 15% số gà bệnh.
Loại có độc lực kém không gây bệnh cho gà và người ta đã sử dụng nó như là 1 loại kháng nguyên quí để chế tạo vacxin như:
CV1. 998 của Rispen – Hà Lan.
C. 80 của Lê Văn Năm và Kasabốp.
WSU của Sharma - Nhật Bản...
Bệnh ung thư Marek có thời kỳ ủ bệnh khá dài, tối thiểu từ 28 ngày trở lên, thường là 2 tháng. Vì thế bệnh Marek phát ra sớm nhất ở gà 45 ngày trở lên.
Bệnh có thể quan sát thấy ở vẹt, cút, chim câu, đà điểu, thậm chí cả ở ngan, vịt. Nhưng virus Marek không gây bệnh cho động vật có vú trong đó có con người. Gà con một ngày tuổi mẫn cảm, 1.000 – 10.000 lần cao hơn gà 21 – 30 ngày tuổi.
Gà trống và gà mái có khả năng nhiễm virus như nhau nhưng gà mái bị bệnh cao gấp hàng trăm lần gà trống.
Các dòng giống gà khác nhau bị bệnh Marek ở mức độ khác nhau. Dễ bị bệnh nhất là gà hướng trứng sau đó là hướng thịt và cuối cùng là kiêm dụng.
Bệnh không truyền qua phôi trứng mà chỉ truyền ngang từ gà này sang gà khác.
Bệnh không có tính thời vụ, xảy ra quanh năm và bệnh Marek sẽ nặng hơn nếu đàn gà con bị Gumboro, cầu trùng, hen gà, viêm gan virus...thức ăn nghèo dinh dưỡng, thiếu Vitamin và các nguyên tố vi lượng.
Thiệt hại kinh tế do bệnh Marek.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể gà, virus gây bệnh Marek mãi mãi tồn tại theo cùng với con gà. Thế nhưng không phải con gà nào cũng bị ung thư. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào độ độc lực, khối lượng của virus gây bệnh và tính cá biệt sức đề kháng của mỗi cơ thể, của tuổi gà khi bị virus tấn công. Ngoài ra các yếu tố khác (đã nêu ở phần dịch tễ) cũng đóng góp phần đáng kể để bệnh Marek có thể phát ra hoặc không phát ra trên mỗi cá thể khác nhau trong cùng một đàn.
Theo giáo sư R. Kasabov: Từ sau đại chiến thế giới thứ 2 cho đến năm 1970, bệnh Marek đã gây chết 17,21% số gà mái giò, hậu bị và gà đẻ trên toàn thế giới.
Nếu tính ra thế giới đã mất hàng chục tỷ đôla Mỹ mỗi năm với gà chết. Nhưng đó mới là số gà chết, còn số gà bị loại thải, bị giảm, bị sụt trứng thì chưa tính đến. Chỉ riêng Mỹ mỗi năm ngành chăn nuôi nước này mất hơn 500 triệu đôla. Bệnh Marek lại có xu hướng tăng mạnh trong thời kỳ 1962 – 1970, trong thời gian này thế giới chưa có một giải pháp nào ngăn chặn được bệnh. Vì thế Rosenwal - một bác học nổi tiếng người Hà Lan đã phải thốt lên đây là “căn bệnh thế kỷ” và ông kêu gọi tất cả các nhà nghiên cứu thú y hàng đầu thế giới hãy tập trung nghiên cứu chế tạo vacxin để cứu ngành chăn nuôi gà tập trung công nghiệp thoát khỏi sự sụp đổ bởi căn bệnh ung thư quái ác này.