Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Bệnh Marek tiến triển và biểu hiện như thế nào? Khi mổ khám thì cần xem những biến đổi gì, ở đâu và có thể phân biệt với bệnh Lơco được không?

(tiếp câu trên - bệnh Marek).

Triệu chứng bệnh Marek.

Bệnh Marek có 2 thể biểu hiện: mãn tính (Marek cổ điển) và thể cấp tính:

Trong quá trình tiến hóa bệnh, các nhà nghiên cứu bệnh Marek đã mô tả rất tỉ mỉ kỹ càng diễn tiến và biểu hiện bệnh, thông thường họ đều gộp cả 2 thể mãn tính và cấp tính lại chung với nhau.

Tiến sĩ Lê Văn Năm sau hơn 20 năm nghiên cứu chuyên sâu về bệnh đã tóm tắt 3 biểu hiện chính như sau:

Các triệu chứng thần kinh.

Trong thực tế tiến hóa của bệnh ngày nay bệnh Marek thường ở thể cấp tính cho nên các biểu hiện hệ thần kinh không nổi bật lắm do quá trình hình thành bệnh quá dài. Nếu người chăn nuôi hoặc cán bộ kỹ thuật không thật sâu sát gà, không có những quan sát 1 cách hệ thống thì thường bỏ qua các biểu hiện ban đầu. Chung quy lại các dấu hiệu về thần kinh lại rất đặc trưng: gà từ bán liệt hoặc bại liệt hẳn chân hoặc cánh. Gà sã cánh theo chu kỳ 1 trong 2 cánh rồi dần dần bệnh nặng nên liệt hoặc bán liệt trở nên cố định. Các ngón chân gà chụm lại, gà hay đi lạc hoặc hay ngã, khi xua đuổi nhiều con cứ chụm cả gón chân như thế để chạy rồi ngã bên này hay ngã bên kia. Vì  thế gà lười đi lại, hay ngồi hoặc nằm, nhưng bao giờ cũng thấy các ngón chân quắp lại (chụm lại), thi thoảng gà phải duỗi 1 trong 2 chân ra cho dễ chịu.

Bệnh mỗi ngày một nặng dần, 1 trong 2 chân hoặc cánh bị bại liệt hoàn toàn, gà nằm với tư thế rất điển hình: một chân duỗi thẳng căng lên phía trước, chân còn lại duỗi thẳng ra phía sau, bàn chân ngửa lên trời, 1 số gà chân choãi ra các phía, khi xua đuổi chúng quay tít mù lại 1 chỗ mà không sao chạy được.

Vì bị liệt gà đi lại khó khăn một cách không bình thường, nên ở cơ đùi, cơ ngực thường thấy các vết xước.

Thông thường những gà bệnh bại liệt vẫn muốn ăn uống và chúng uống nước bình thường. Song vì không thể tự kiếm được thức ăn, nước uống, chúng gầy nhanh, suy nhược, yếu dần rồi chết đói, chết khát hoặc bị gà khỏe dẫm đạp. Một số khác bị bệnh ghép thứ phát thì có thể chết sớm hơn.

Các triệu chứng ở trạng thái ức chế.

Các biểu hiện về thần kinh ở mức độ rất nhẹ, các trường hợp bán liệt hoặc liệt hoàn toàn ít thấy.

  Các biểu hiện chính thuộc về ức chế thần kinh: gà ốm ủ rũ, sã cánh nhẹ, loạng choạng đi không vững.

Khi khối u ở thần kinh và phổi xuất hiện thì gà thở khó, thở nhanh, tiếng kêu yếu ớt.

Gà bệnh gầy dần, cơ bắp teo lại, mào gà sụt xuống nhợt nhạt thiếu máu. Gà chết thường rất gầy và xơ xác. Khi mổ khám có khá nhiều con không có khối u nội tạng, do đó không ít người nghĩ đó là bệnh Marek và người ta đặt cho bệnh một cái tên là Bệnh teo cơ gà. Đây chính là một biểu hiện rất quan trọng của Marek cấp tính.

Những biểu hiện ở da và mắt.

Một số gà chưa chết khi giết mổ hoặc một số gà chết khi mổ khám nếu quan sát kỹ ta thấy trên các vùng vai, cánh, nách đùi, (háng) đùi, bụng...có các nốt thịt thừa với độ lớn rất khác nhau. Từ hạt kê đến hạt ngô bám chặt vào lỗ chân lông. Đó chính là những khối u da của bệnh Marek và đây cũng là bệnh tích đặc trưng của bệnh Marek.

 Ngoài u da ta còn thấy một trong hai mắt của gà con ngươi bị hẹp lại hoặc biến dạng hình sao 3,  5, 7 cạnh hoặc có hình tam giác...Bình thường mống mắt có màng da cam ở gà lớn và màu xanh đen ở gà con với đồng tử tròn to. Khi bị bệnh do tổn thương thần kinh thị giác đồng tử bị biến dạng, bị sưng và bị đục, kéo theo mống mắt chuyển thành màu vang lưu huỳnh hoặc mất màu từng đám hoặc theo hình vòng tròn...Vùng điểm phát quang của mắt không thấy nữa và thay thế vào đó là vùng vẩn đục màu xám gọi là mắt xám. Vì thế có một số tác giả gọi bệnh Marek là “bệnh mắt xanh ghi” hoặc “bệnh mắt cá”...Xung quanh rìa lỗ mắt lúc đầu nhăn nheo sau bị nặng thì hẹp lại chỉ còn một lỗ bằng đầu kim. Những trường hợp bệnh nhẹ thì phản xạ ánh sáng bị chậm lại, khi bệnh nặng thì trơ hoàn toàn.

Bệnh với các biểu hiện ở da và mắt thường ít chết và kéo dài ở thể mãn tính, ít có khối u nội tạng.

Thể mãn tính xuất hiện ở gà từ 6 – 12 tháng tuổi và thường thấy ở gà 6 – 8 tháng tuổi.

Thể cấp tính ngày nay bao trùm lên cả ở gà từ 1,5  đến 6 tháng tuổi, gà bệnh thường chết cao nhất vào lúc lên gà hậu bị hoặc trước và sau khi đẻ 2 – 3 tuần. Đặc trưng của thể cấp tính bệnh Marek với 2 biểu hiện chính là ức chế hoặc thần kinh, bao giờ cũng kèm theo khối u nội tạng và giảm năng suất trứng

Mổ khám bệnh  tích Marek

Những biến đổi bệnh lý đại thể vô cùng đa dạng ở bệnh Marek nhất là thể cấp tính. Có rất nhiều thông báo khác nhau về đặc điểm, hình thái và tần số khốI u co mắt trong mỗi giống gà đặc biệt khi gà bị Marek ở thể cấp tính vớI các biểu hiện trạng thái ức chế cấp tính thì có những gà không có khốI u.

Do mỗi gà có những biểu hiện bệnh tích khác nhau, nên chúng ta cần phảI mổ khám nhiều gà trong 1 đàn, kết quả sẽ cho chúng ta bức tranh khá đầy đủ và toàn diện về bệnh Marek.

Các biến đổI đạI thể tạo khốI u ở các cơ quan khác nhau đã được Lê Văn Năm tổng kết:

Gan 90 – 100%         Nách 90 – 100%

Tim 4,9 – 36%           Thận 42 – 62%

Dạ dày tuyến 6,5 – 45%       PhổI 9 – 16%

Túi Fabricius 2,38 – 11,5%

Buồng trứng, tinh hoàn: 7,8 – 10,25%

Ruột và màng treo ruột 5 – 16%

Cơ ức 4,76 – 12,5%

Khối u trong các cơ quan gồm 3 loại: u lan tỏa, u kết hạt và u hỗn hợp.

U lan toả tức là u tăng sinh không hình thành khối u rõ rệt  làm cho cơ quan trở nên to cực đại. Ví dụ: gan, lách có thể lớn gấp 2 – 10 lần bình thường.

U kết hạt là loại khối u được hình thành rõ rệt nằm rải rác ở mỗi cơ quan dễ thấy.

U hỗn hợp là dạng u có cả lan tỏa lẫn u rõ rệt xuất hiện ngay trên mỗi cơ quan, phổ biến nhất là gan, tim, thận, tụy.

Đặc điểm của mỗi loại khối u xem sách bệnh Marek - một mô hính khối u truyền nhiễm của Lê Văn Năm, NXBNN – 1996, tái bản năm 2004.

Khi mổ khám bệnh tích đại thể chúng ta hoàn toàn có thể phân biệt được với bệnh Lơcô trên những căn cứ như sau:

Bệnh Marek tạo khối u ở hầu hết các cơ quan của cơ thể: da, mắt, cơ, thần kinh, gan, tim, nách, phổi, thận, dạ dày tuyến, ruột và màng treo ruột, buồng trứng, tinh hoàn, túi Fabricius; trong khi bệnh Lơcô chỉ thấy khối u chủ yếu ở gan, nách, buồng trứng, túi Fabricius, thận... không có các khối u ở da, mắt, thần kinh, dạ dày tuyến, phổi, ít có khối u ở cơ, ruột và màng treo ruột.

U của bệnh Marek bao giờ cũng không có ranh giới rõ rệt với tổ chức cơ quan phần bình thường còn lại, trong khi u của bệnh Lơcô có ranh giới rõ rệt. Lát cắt khối u của bệnh Marek khô, có màu sắc khác nhau không đều, đôi khi thấy xuất huyết, tụ huyết hoặc hoại tử tức là có phản ứng viêm và không bao giờ có mao quản. Trong khi lát cắt khối u của bệnh Lơcô lại ướt, nẵn, màu sắc đồng đều, không có điểm tụ huyết, xuất huyết hoặc hoại tử. Khối u của bệnh Lơcô bao giờ cũng có mao quản (mạch máu non mới hình thành).

Vì trong mỗi con gà cơ thể khó có thể chịu đựng được cùng một lúc có khối u trong tất cả các cơ quan để chúng ta dễ dàng phán quyết ngay được bệnh Marek hay Lơcô, do đó buộc chúng ta phải mổ khám nhiều gà bệnh mới có một bức tranh bệnh hoàn chỉnh.

Việc này rất có ý nghĩa và buộc phải làm. Nếu chúng ta vẫn chưa thấy yên tâm thì chúng ta phải làm thêm tiêu bản vi thể dựa thêm vào đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng bệnh Marek để phân biệt với bệnh Lơcô (xem tiếp phần chẩn đoán bệnh Marek, câu Chẩn đoán bệnh Marek có khó khăn không?...)

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình