Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Bệnh Marek chữa trị có được không và bằng những phương pháp nào?

(tiếp câu trên - Bệnh Marek).

A. Hướng giải quyết bệnh Marek trên thế giới.

Tính chất nguy hiểm và những khó khăn trong việc phòng chống bệnh mang tên “căn bệnh thế kỷ” đã là chủ đề nghiên cứu hàng đầu của các nhà khoa học thú y toàn thế thế giới qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1948 – 1968 người ta đã tiến hành 4 biện pháp tổng hợp để khống chế bệnh như sau:

Biện pháp vệ sinh thú y chăn nuôi nghiêm ngặt.

Loại thải định kỳ

Lai tạo các loại giống gà có sức đề kháng cao chống được bệnh Marek.

Chăn nuôi gà tập trung trong các trại có nghiên cứu phương tiện, dụng cụ thiết bị hiện đại; lọc không khí vô trùng, thức ăn nước uống được xử lý vô trùng và tự động chuyển đến gà...

Nhưng cả 4 biện pháp đó đều không ngăn chặn được sự lây lan phát tán bệnh và bệnh Marek mỗi ngày một nặng hơn.

Giai đoạn 1968 – 1980 là giai đoạn sau khi đã phân lập được, biết rõ bản chất căn nguyên gây bệnh Marek và sự phát hiện ra virus Marek trên gà tây (HVT) đã cứu giúp ngàn chăn nuôi gà trên toàn thế giới không bị sụp đổ, bởi người ta đã dùng chủng virus HVT để chế tạo ra được vacxin chống bệnh Marek dưới dạng các loại vacxin tươi và vacxin đông khô

Virus Marek trên gà Tây (HVT) không có kháng nguyên A nên không gây bệnh cho gà ta.

Virus HVT sinh sản rất nhanh và cũng tồn tại vĩnh hằng trong cơ thể gà là nguồn kháng nguyên bất tận ngăn chặn sự hình thành khối u.

Mỗi liều vacxin Marek phải chứa từ 1500 PFU  virus HVT

Các chủng HVT phổ biến nhất dùng để chế tạo vacxin là FC – 126, CZI, P8, THV1...

Sau khi vacxin Marek được điều chế từ HVT thành công và được dùng như là một thần cứu mạng, tỷ lệ gà bệnh và chết do Marek ở gà (sau khi được tiêm phòng) giảm xuống chỉ còn 1 – 2%. Và người ta đã hiểu được rằng bệnh Marek thực sự trở thành một mô hình khối u truyền nhiễm không chỉ trong thú y mà đối với bệnh ung thư nhân y nói chung.

Giai đoạn 1980 – nay.

Việc khống chế bệnh ung thư truyền nhiễm Marek bằng vacxin chứa virus HVT rất hiệu quả trong những năm đầu thập kỷ trước dần dần bộc lộ những tồn tại về hiệu lực vacxin ngay những năm cuối thập kỷ này. Tại hầu hết các nước đã tự sản xuất được vacxin với các kỹ thuật hiện đại, số ca bệnh và tỷ lệ chết vì Marek ở gà đã được tiêm phòng vacxin HVT lại có xu hướng tăng mạnh, bình quân từ 1 – 2% lên đến 17%, khiến nhiều chuyên gia thú y đã phải lên tiếng “cơ thể miễn dịch bệnh Marek bị phá vỡ”. Tại sao đã tiêm phòng nhưng bệnh Marek vẫn tồn tại và phát triển, phải chăng đó là “sự sụp đổ của vacxin HVT”...

Đây là sự kiện lớn buộc các nhà nghiên cứu lại một lần nữa tập trung trí tuệ để giải quyết và kết quả là người ta đã cho ra đời 3 loại vacxin chống bệnh Marek:

Loại 1 : Vacxin chứa HVT như FCI126, CZ-1

Loại 2: Vacxin chứa virus Marek ở gà chủng nhược độc AMDV như CV1 – 988 của Hà Lan, C – 80 của Lê Văn Năm và Kasabov của Bungari, SBL của Pháp.

Loại 3: Vacxin hỗn hợp đa giá chứa 2 chủng HVT và AMDV...(FC – 126 + CV1 988).

B. Thực trạng Marek và hưóng giải quyết bệnh Marek ở nước ta hiện nay.

Thực trạng bệnh Marek ở Việt Nam.

Những nghiên cứu có tính hệ thống căn bệnh tại Việt Nam từ những năm đầu 1980 đã cho phép chúng tôi khẳng định

* Từ... đến 1988, bệnh Marek trên gà công nghiệp ở nước ta xảy ra lẻ tẻ và chủ yếu thể mãn tính ở gà 6 – 10 tháng tuổi gây thiệt hại không lớn cho ngành chăn nuôi so với những bệnh khác.

Từ 1988 – nay, bệnh Marek luôn ở thế cấp tính và xảy ra phổ biến ở gà từ 3 – 6 tháng tuổi tại tất cả các xí nghiệp, cơ sở chăn nuôi gà giống. Bệnh gây rất nhiều thiệt hại về kinh tế.

Hướng giải quyết bệnh Marek ở nước ta hiện nay.

Theo kinh nghiệm cá nhân Lê Văn Năm - một chuyên gia chuyên sâu về bệnh Marek thì việc khống chế bệnh Marek phải song song tiến hành 2 nhóm giải pháp:

Biện pháp tổng hợp vệ sinh chăn nuôi, giảm thiểu các bệnh gây suy giảm miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể như: Gumboro, cầu trùng, viêm gan virus, thiếu máu truyền nhiễm, CRD...

Biện pháp tích cực là phải sử dụng vacxin triệt để chống bệnh Marek tại tất cả các cơ sở chăn nuôi gà trống.

Trước mắt cho đến năm 2005 hoặc có thể kéo dài thêm vài năm nữa khi mà nước ta chưa xuất hiện các chủng virus Marek với độc lực lớn thì chỉ cần dùng vacxin chứa virus HVT là đủ. Các loại vacxin chứa HVT là:

- Lyo Marek chứa HVT – FC 126 của Pháp.

- TAD Marek – Vac chứa HVT – FC- 126 của Đức.

- Nobilis Marek HVT – LYO chứa HVT – P8 – THV1 của Hà Lan.

- Marek Vac chứa HVT – CZ1 của Bungari

Trong tương lai gần chắc chắn tại nước ta cũng sẽ xuất hiện các chủng virus gây bệnh Marek có độc lực cao và gây chết gà với số lượng lớn, kể cả đối với những đàn đã được tiêm chủng Vaccin HVT, khi đó chúng ta phải sử dụng vacxin đa giá chứa cả HVT và cả AMDV thì mới có khả năng bảo hộ được.

Các loại vacxin chứa 2 loại virus nói trên gồm:

- LYO Marek chứa CVI 988 + HVT – FC 126 của Hà Lan.

- TAD Marek bivac chứa CVI988 + HVT – FC – 126 của Đức.

- Marek Bivac chứa C80 – CZ1 của Bungari

Đối với nhũng cơ sở làm giống, nếu sau khi dùng 2 loại vacxin đơn giá chứa HVT hay HVT + AMDV mà bệnh Marek vẫn chiếm tỷ lệ trên 5 – 7% thì buộc phải dùng các loại vacxin chỉ chứa virus Marek nhược độc (AMDV) mới hạn chế được bệnh. Các loại vacxin đó phải chứa một trong các chủng virus vacxin đã ổn định như sau: CVI – 988, SB1, C – 80

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của vacxin.

Do virus gây bệnh Marek lan rộng khắp toàn cầu và bệnh đã trở nên rất phổ biến và gà con nở ra bị nhiễm virus cường độc quá sớm, cho nên bắt buộc vacxin chống Marek phải tiêm cho gà vừa nở ngay tại lò ấp trước khi đưa vào cơ sở chăn nuôi, nếu bất đắc dĩ thì cũng phải tiêm ngay trước khi đưa vào chuồng.

Từ lúc tiêm vacxin đến khi gà được bảo hộ phải mất 3 tuần, trong thời gian này phải chủ động gìn giữ vệ sinh chăn nuôi nghiêm ngặt, tuyệt đối cấm không nên nuôi gà con chung với gà lớn...

Hạn chế tới mức tối đa các sai sót về vận chuyển, bảo quản pha chế và sử dụng vacxin.  

Hạn chế và loại bỏ các yếu tố stress bất lợi đặc biệt các bệnh gây giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nói chung của gà con.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình