Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Bệnh đậu gà có nguy hiểm và lây sang người không? Có gây nhiều thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi không? Cách phòng trị như thế nào?

Bệnh đậu gà không lây sang người.

Giới thiệu bệnh đậu gà.

Bệnh đậu gà có tên khoa học tiếng Latinh là Variola Avium (VA), hay tiếng Anh là Powl pox là một bệnh truyền nhiễm mạnh ở gà và các hoang cầm cùng nòi với các biểu hiện đặc trưng là tạo nốt đậu mào, tích, mép da ống chân, bàn chân và gây viêm màng giả ở vòm họng do Avipoxvirut gây nên. Phía Nam nước ta còn gọi là bệnh Trái gà.

Do Avipoxvirut có nhiều chủng gây bệnh khác nhau trên mỗi loại gia cầm nên bệnh đậu gà được gắn thêm tên của các loại gia cầm đó:

Bệnh đậu gà do Boreliota Avium.

Bệnh đậu bồ câu do Boreliota Culumbac.

Bệnh đậu gà tây do Boreliota Meleagridis.

Bệnh đậu cút, sẻ, vẹt … do Boreliota Fringillac.

Dịch tễ bệnh đậu.

Mỗi typ virut đậu chỉ gây bệnh cho 1 loại gia cầm rất ít khi typ virut này gây bệnh cho loại gia cầm kia.

Thủy cầm không bị bệnh đậu. Các gia cầm khác cũng không lây bệnh đậu từ gà, bồ câu, gà tây.

Trong các loại gia cầm thì gà tây mẫn cảm nhất và dễ bị nhiễm bệnh nhất, sau đó là gà nhà.

Virut đậu không truyền dọc (qua phôi) mà chỉ truyền ngang từ gà này sang gà khác qua đường miệng và hô hấp hoặc do côn trùng hút máu mang mầm bệnh đến.

Bệnh xảy ra nhiều ở các nước có khí hậu nhiệt đới hơn các nước vùng ôn đới và hàn đới. Ở nước ta bệnh đậu gà xảy ra quanh năm, nhưng dễ phát và bệnh nặng nhất vào cuối mùa xuân đầu mùa hè khi hoa xoan nở rộ. Bệnh xảy ra ở gà mọi lứa tuổi nhưng nặng nhất và hay gặp nhất là ở gà con.

Bệnh sẽ nặng nề hơn nếu trong khẩn phần ăn thiếu Vitamin A, Vitamin D, chuồng trại quá kín, kém thông thoáng, nhiều khí độc và ẩm.

Cơ chế sinh bệnh.

Qua đường miệng hoặc đường hô hấp hoặc các vết xước ở vùng họng hay ở mào tích, virut thâm nhập bám chặt vào các tế bào biểu bì và sinh sản rất nhanh, kích thích sự tăng trưởng của tế bào biểu bì đó tạo thành nốt đậu.

Sau một thời gian ngắn các tế bào biểu bì bị nhiễm virut đậu đó bị thoái hóa, thối rữa hóa lỏng thành loét. Các tế bào biểu bì lớp trên sau đó háo sừng tạo thành vẩy màu nâu nhạt hoặc nâu đen, vài ngày tuổi theo các vẩy đó bị bóc ra.

Những tổn thương ở vùng miệng thể hiện cũng như ở trên mào tích chỉ khác là không tạo thành vẩy nâu, các vết loét vùng họng tạo thuận lợi cho các nhiễm trùng thứ phát gây viêm họng có màng làm cho bệnh nặng lên rất nhiều và gây chết gà.

Triệu chứng lâm sàng.

Bệnh biểu hiện ở ba thể, da và viêm loét tạo thành màng giả ở vùng họng.

Đậu ngoài da (đậu khô).

Các nốt loét, nốt đậu chưa có vẩy hoặc có vảy dễ thấy ở da mào, da tích, kẽ mỏ, da chân màu vàng xám hoặc nâu xám. Nếu bệnh nặng thì các nốt đậu mọc dày liền dính với nhau thành cục lớn, tảng nhăn nheo lớn gây mù mắt.

Đậu ướt (bạch hầu).

Lúc đầu các nốt loét chỉ nhỏ, nằm rải rác ở vùng trong họng: cuống họng (thực quản, thanh quản, cuống lưỡi), xoang mũi … Sau một thời gian ngắn trên bề mặt các nốt loét được phủ một lớp màu vàng giả, màu trắng ngà bám sâu và rất chặt vào niêm mạc khó bóc. Nhiễm trùng thứ phát luôn là bạn đồng hành của bệnh đậu thể ướt gây viêm hoại tử và đau khiến cho gà rất muốn ăn mà không dám ăn uống. Những trường hợp này gà suy nhược dần và chết do đói khát hoặc do nhiễm trùng thứ phát.

Thể hỗn hợp.

Đây là bệnh đậu gà cùng lúc phát ra ở da và niêm mạc vùng họng. Thông thường thể đậu hỗn hợp này gây chết gà khá cao 5 – 10% trên tổng đàn, có khi bị bệnh kế phát tỷ lệ chết còn cao hơn nhiều  20 – 25%.

Bệnh tích.

Các nốt đậu có thể tìm thấy ở vùng da đầu, chân và một số vùng khác trên cơ thể gà.

Các nốt loét đậu điển hình trong vùng họng.

Chẩn đoán.

Bệnh đậu dễ dàng chẩn đoán khi thấy các nốt loét và nốt đậu ở các vùng đã nói phần trên.

Nếu khó khăn chúng ta có thể tìm thấy virut đậu ký sinh trong các tế bào biểu bì bệnh phẩm qua kinh hiển vi.

Chẩn đoán phân biệt.

Bệnh đậu thể ướt (bạch hầu) cần phân biệt với bệnh do thiếu Vitamin A, sổ mũi truyền nhiễm, viêm thanh khí quản truyền nhiễm.

Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm khác với bệnh đậu thể bạch hầu ở chỗ không có loét, không có màng giải vùng họng.

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm khác với bệnh đậu gà là bệnh phát triển với qui mô lớn, lây lan nhanh, ho hen ngạt từng cơn và màng giả rất dễ bóc.

Bệnh thiếu vitamin A: Việc tích tụ các chất nhầy bị cazein đã bịt kín lỗ nước dãi, tạo nên các mô tổ chức sần sùi như súp lơ bám vào niêm mạc cuống họng, thực quản, nhưng chúng dễ bóc tách, đôi khi trên khoang ngực và khoang bụng bị phủ một lớp vôi trắng của các muối tạo nên từ từ acid Uric.

Điều trị bệnh đậu.

Không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng chúng ta có thể chữa khỏi bằng những việc như sau:

Cung cấp Vitamin A cho đàn gà bệnh.

Dùng một số loài kháng sinh để phòng và trị bệnh kế phát như T.I.C, T.Avimycin, T.Colivit, Colivinavet, Gentacosmis, Trisulfon depot … pha vào nước uống 20gam/100kg gà/ngày x 3 ngày.

Bóc tách vẩy rồi bôi cồn Iod 1 – 2%, hoặc xanh Methylen hoặc Oxy già, nếu nốt đậu mọc thành bụi thì cắt bỏ và bôi thuốc sát trùng Iod hoặc xanh Methylen 1 – 2lần/ngày và bôi 3 – 4 ngày bệnh sẽ khỏi.

Phòng bệnh đậu.

Các vacxin chứa chủng Desau nước ta hay nước ngoài sản xuất đều rất tốt.

Gà thịt chỉ chủng 1lần lúc 7 – 15 ngày tuổi.

Gà làm giống có thể chủng lại lần 2 trước khi lên đẻ.

Các chủng đậu: 1 lọ vacxin 1000 liều pha với 5ml nước cất lắc đều lấy kim may khâu lỗ to hoặc ngòi bút mực có bầu bụng (bút thường) nhúng ngập vacxin rồi đâm thủng da nách cánh là được. Sau khi tiêm chủng vaccin 1 – 2 lần gà được miễn dịch suốt đời

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình