Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà có những biểu hiện gì? Có chữa được không?

1. Giới thiệu bệnh thiếu máu truyền nhiễm gà.

Thiếu máu truyền nhiễm ở gà có tên khoa học Anaemia Infectiosa hoặc tiếng Anh: Chicken Anaemia (viết tắt là CA). Đây là một bệnh mới xuất hiện ở các nước chăn nuôi gà phát triển. Bệnh do CIRCO Virut chứa AND không vỏ bọc (viết tắt là CAV) gây nên với các biểu hiện đặc trưng thiếu máu, chảy máu từ chân lổ các lông ống vùng đuôi, cánh và suy giảm miễn dịch ở gà.

Bệnh nguy hiểm và gây thất thoát lớn cho chăn nuôi gà tập trung bởi tỷ lệ chết cao, còi cọc, giảm phẩm chất thịt và loại thải trứng cao hoặc gây suy giảm chất đề kháng làm cho gà dễ bị mắc các chứng bệnh khác.

2. Dịch tễ bệnh thiếu máu truyền nhiễm.

Virut gây bệnh không màng bọc – dạng trần ra khỏi tế bào dễ chết bởi các tác động lý hóa.

Bệnh có thể truyền dọc từ gà đẻ sang gà con qua phôi trứng và cũng có thể truyền ngang từ gà này sang gà khác qua đường miệng và hô hấp.

Các loại côn trùng hút máu có vai trò truyền bệnh rất lớn.

Bệnh có thể xảy ra quanh năm ở các nước nhiệt đới. Ở nước ta bệnh thường gặp vào cuối mùa xuân đầu hè hoặc đầu thu.

Bệnh thường thấy ở đàn gà thịt, gà giò từ 2 – 9 tuần tuổi nhiều hơn là bệnh ở gà đang đẻ … Các giống, dòng gà không đóng vai trò gì trong việc kháng bệnh.

3. Triệu chứng lâm sàng.

Gà từ 10 ngày tuổi trở lên mới phát bệnh các biểu hiện khá điển hình như sau:

- Gà xanh xao, lờ đờ, ăn kém …

- Gà nuôi thịt khoảng gần 1 tháng tuổi tốc độ lớn chậm hẳn, xuất hiện nhiều gà còi cọc.

- Từ chân lông ống đuôi và cánh rỉ ra máu tươi, có nhiều trường hợp chảy thành dòng gây sự hấp dẫn cho những gà khác mổ cắn.

- Việc rỉ máu từ lổ chân lông là điều kiện lý tưởng cho các nhiễm trùng thứ phát gây viêm thối hoại tử da, tăng tỷ lệ loại thải và giảm mạnh phẩm chất thịt.

- Gà chết 10 – 15 ngày sau khi phát bệnh. Ở nước ta Lê Văn Năm đã quan sát thấy bệnh đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc từ những năm 1996 và có một số đàn tỷ lệ chết dao động 8 – 15% nhưng cũng có đàn chết đến 40%.

- Thiếu máu truyền nhiễm gây suy giảm sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch của gà có thể là nguyên nhân trực tiếp để gà dễ mắc nhiều bệnh thứ phát. Do đó tỷ lệ ốm và chết thường rất cao dưới hình thức của nhiều bệnh ghép. …

4. Mổ khám bệnh tích.

Nếu khám bệnh mới phát ta thấy:

Xuất huyết lỗ chân lông ống.

Trên da có nhiều nốt viêm hoại tử da.

Xuất huyết cơ là bệnh tích đặc trưng của thiếu máu truyền nhiễm.

Tuyến ức và túi Bursa Fabricius bị teo, kém phát triển.

Các tủy xương nhợt nhạt biến sắc.

Các bệnh tích khác nhau của các bệnh thứ phát.

5. Chẩn đoán bệnh.

Bệnh dễ dàng được nhận biết qua các chỉ số về dịch tễ, lâm sàng và bệnh tích.

Nếu khó khăn thì gởi mẫu về trung tâm chẩn đoán và dùng các phương pháp: PCR, Elisa, trung hòa virut hoặc phân lập virut.

6. Chẩn đoán phân biệt.

Bệnh thiếu máu truyền nhiễm giống với bệnh Gumboro ở chỗ cả hai bệnh đều có hiện tượng xuất huyết cơ. Song bệnh thiếu máu truyền nhiễm không có biến đổi điển hình ở túi Fabricius giai đoạn đầu mới phát bệnh ở đường ruột và đặt biệt là ở dạ dày tuyến.

7. Điều trị.

Không có thuốc đặc trị.

8. Phòng bệnh thiếu máu truyền nhiễm.

Không lấy trứng ở những đàn gà có biểu hiện bệnh thiếu máu truyền nhiễm để làm giống, làm vacxin.

Gà phải được tiêm phòng vacxin sống nhược chủng CAV – CUX.I.

TAD Thymo vac của Đức: cho uống lúc gà 1 – 3 ngày tuổi đối với gà nuôi thịt và cho uống nhắc lại lúc 16 – 20 tuần tuổi trước khi lên đẻ.

Cần phải tăng cường kiểm soát an toàn sinh học cho đàn gà bằng phương pháp tổng hợp.

Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng tốt.

Vệ sinh chuồng trại tốt đảm bảo.

Tích cực phòng trị các bệnh gây suy giảm miễn dịch: Gumboro, cầu trùng, viêm gan virut…

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình