Qua mô tả của các bạn kết hợp với tình hình thực tế mà chúng tôi đã có dịp quan sát được ở một vài vùng trồng nhãn ở ĐBSCL, chúng tôi cho rằng vườn nhãn của các bạn không bị bệnh gì hết mà đây chỉ là triệu chứng và di chứng để lại của sâu đục gân lá nhãn (Conopomorpha litchiella). Trước đây loài sâu này chỉ gây hại rải rác và rất ít, nhưng khoảng chục năm trở lại đây khi phong trào trồng nhãn phát triển mạnh, những vùng trồng nhãn theo hướng tập trung chuyên canh để sản xuất hàng hoá ngày càng được mở rộng, thì loài sâu này cũng phát triển và gây hại ngày một nhiều hơn. Ở Những địa phương trồng nhiều nhãn như Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…chúng tôi đã gặp những vườn nhãn hầu như toàn bộ số lá nhãn non mới ra đều bị loài sâu này tấn công, làm cho cây nhãn bị mất sức trầm trọng. Nếu không phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất trái và thu nhập của bà con nhà vườn, nhất là những vườn nhãn tơ mới đưa vào khai thác.
Con trưởng thành của loài sâu này là một loại ngài, cơ thể rất nhỏ, chiều dài thân chỉ khoảng gần 3mm, màu nâu. Chúng đẻ trứng rải rác ở gần gân chính của lá đọt.
Sau khi nở sâu non (ấu trùng) đục vào cắn phá bên trong gân chính của những lá nhãn còn non (vẫn còn màu đỏ chưa chuyển sang màu xanh), làm cho gân chính và mô lá hai bên bị huỷ hoại biến thành màu nâu đỏ sau đó khô cháy, vết cháy khô nhỏ dần về phía cuống lá tạo thành hình mũi nhọn, đúng như các bạn đã thấy và mô tả là hình chữ V. Phần lá không bị hại (còn xanh) sẽ bị biến dạng cong queo, sau này vết cháy bị khô giòn, nếu gặp mưa gió quát mạnh, vết cháy sẽ bị rách te tua chia phiến lá ra làm hai phần (ảnh 25a, 25b).
Khi đẫy sức sâu non chui ra ngoài nhã tơ kết thành một cái kén giống như một màng trắng đục hình bầu dục trên lá, rồi hoá nhộng bên dưới lớp kém này.
Qua quan sát thực tế vườn nhãn cho thấy sâu thường xuất hiện và gây hại nhiều trên lá non của đợt đọt thứ nhất (sau khi tỉa cành, làm gốc xử lý cho nhãn ra hoa), đợt đọt non thứ hai (đợt đọt cho bông) bị hại ít hơn. Khi lá đã chuyển sang giai đoạn bánh tẻ thì không thấy sâu gây hại nữa. Thực tế cho thấy những vườn nhãn rậm rạp không tỉa cành, lá thường xuyên…bị sâu gây hại nhiều hơn các vườn khác.
Không riêng gì các bạn, trước đây nhiều nhà vườn ở ĐBSCL cũng tưởng triệu chứng này là do nấm bệnh gây hại, nên cũng đã mua thuốc trừ bệnh về phun xịt, nhưng không có kết quả, cuối cùng thì “tiền mất mà tật vẫn mang”.
Để hạn chế tác hại của sâu các bạn có thể áp dụng một số biện pháp chính sau đây:
- Thường xuyên vệ sinh vườn nhãn, tỉa bỏ những cành già không cho trái nằm bên trong tán, những lá già mỗi khi tỉa cành làm gốc để vườn luôn thông thoáng.
- Nên vận động nhiều chủ vườn cùng tiến hành tỉa cành, làm gốc xử lý cho cây nhãn ra bông đồng loạt trên diện rộng, tránh tình trạng các vườn nhãn cứ ra lá non lệch thời gian với nhau, khiến trong cùng một vùng liên tục có thức ăn cho sâu. Rất khó cắt đứt được nguồn thức ăn trên vườn cây của sâu.
- Ở những vườn thường bị sâu gây hại nặng, vào những đợt cây ra lá non nên kiểm tra kỹ vườn nhãn, để sớm phát hiện và có biện pháp diệt trừ sâu kịp thời. Nếu thấy trong vườn có khoảng 5% số lá non bị hại thì có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau đây để phun xịt: Bi 58 40EC; Cymbush 5EC/10EC; Secsaigon 5EC/19EC; Polytrin P 440EC; Confidor 100SL…Trước khi sử dụng các bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc. Sau khi xịt khoảng 7-10 ngày nên xịt tiếp lần hai.
Những vườn đã bị sâu gây hại nặng sau khi xịt thuốc nên bón bổ sung thêm phân đạm để cây mau hồi sức và ra lá mới |