Qua mô tả khá chi tiết trong thư của các bạn chúng tôi cho rằng triệu chứng này không phải do bệnh hại gây ra, mà đó chính là di chứng để lại do một loại côn trùng ăn lá thuộc họ Bọ hung (Scarabaeidae), Bộ cánh cứng (Coleoptera) cắn phá khi còn non. Chúng có tên là Bọ cánh cứng ăn lá nhãn (Adoretus sp).
Con trưởng thành có kích thước cỡ đầu đũa ăn (cơ thể dài khoảng 11-12 ly). Màu xám nâu hoặc nâu đỏ, trên cơ thể có nhiều lông nhỏ mịn. Khi đang cắn phá nếu bị động chúng buông mình rơi xuống đất. Ban ngày chúng ẩn lấp trong các kẽ nẻ đất, trong các lùm cây hay trong các kẽ của tàu lá chuối khô rủ xuống. Cũng có khi ở dưới lớp lá khô xung quanh gốc cây nhãn (vì thế vào ban ngày các bạn khó tìm thấy chúng trên cây nhãn) chỉ có con trưởng thành mới gây hại, còn con ấu trùng không gây hại và chỉ sống trên những chất hữu cơ mục nát trong đất, đôi khi chúng cũng ăn rễ cây nhưng không nhiều. ban đêm (khoảng 7-8 giờ tối trở đi) con trưởng thành bay cắn phá lá nhãn non (những lá đọt vừa chuyển từ màu đỏ nâu sang màu hồng lợt hoặc nõn chuối), tạo ra những vết thủng lỗ trỗ trên lá (chúng chủ yếu ăn phần thịt lá nằm giữa các gân lá) (ảnh 26). Chúng chỉ phá hại khi lá còn non, chưa phát hiện thấy chúng cắn phá trên lá già. Nếu mật số cao chúng có thể cắn nhiều lỗ dày đặc trên bề mặt của phiến lá, nhìn như những tấm sàng (hay tấm lưới mà các bạn mô tả). Những vết thủng trên lá non sẽ được giữ lại cho đến khi lá già và rụng. Bọ gây hại chủ yếu trên những cây nhãn còn nhỏ, vì thế nếu bị hại nặng cây nhãn dễ bị mất sức trầm trọng.
Đúng như các bạn đã phản ánh trong thư, bọ thường chỉ gây hại nhiều trên những giống nhãn có lá hẹp và dài như một số giống nhãn tiêu (tiêu huế, long tiêu đường…) trên những giống nhãn có lá lớn, to, bầu bọ gây hại ít hơn. Ở Tiền Giang, Vĩnh Long…có những vườn nhãn bị chúng gây hại xác xơ (do chủ vườn chủ quan ít thăm vườn khi cây còn nhỏ) chủ vườn đã phải tốn kém rất nhiều tiền của, công sức mới phục hồi lại được.
Để hạn chế tác hại của chúng các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:
- Nếu cây nhãn còn thấp trong tầm tay với, nếu có thể được nên tổ chứa soi đèn bắt bằng tay vào ban đêm. Nếu mật số nhiều có thể rải tấm vải nhựa xuống xung quanh gốc rồi rung đập cây cho bọ rớt xuống thu gom đem giết.
- Vào các đợt cây nhãn ra lá non phải kiểm tra vườn nhãn thường xuyên để phát hiện sớm nếu thấy có khoảng 10% lá non bị hại thì phun thuốc diệt trừ kịp thời bằng một trong các loại thuốc như: Polytrin p 440EC/ND; Polytrin C 440EC/ND; Sherpa 10EC/25EC; Visher 25ND; Padan 95SP; Sevin 85WP,…Nên xịt thuốc vào lúc chiều mát để đến đêm bọ bay ra cắn phá dễ bị trúng độc hơn.
- Vệ sinh vườn tược, phát quang bụi rậm thường xuyên để vườn luôn thông thoáng hạn chế bớt nơi trú ngụ của con trưởng thành |