Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Làm cách nào để phòng trừ bọ xít hại Nhãn

Trên cây nhãn bên cạnh một số đối tượng sâu bệnh thường gặp như sâu đục gân lá, sâu đục trái, rệp sáp, sâu hại bông, bệnh thối trái, bệnh khô cháy hoa…thì bọ xít hại nhãn (Tessaratoma papillosa) cũng là một đối tượng thường xuyên có mặt và gây hại cho cây nhãn, nhất là khi cây nhãn ra đọt, lá non, ra bông, ra trái. Ngoài nhãn còn thấy loài bọ xít này gây hại trên cả cây vải, cây chôm chôm, và một số cây có múi khác.

Trước đây chúng gây hại chủ yếu trên vây nhãn da bò (nhãn xuồng), gần đây chúng đã xuất hiện và gây hại ngày một nhiều hơn trên cây nhãn long và cây nhãn tiêu huế (là những giống nhãn đang được trồng phổ biến hiện nay ở Nam Bộ) và một số  giống nhãn khác.

Con trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng 20-25 ly (có khi đến 30 ly), chiều ngang khoảng 13-16 ly, thân mình có hình lục giác, màu nâu nhạt hơi vàng (ảnh 29a, 29b, 29c), dưới bụng có phủ một lớp phấn màu trắng, con cái lớn hơn con đực, chúng thường tiết ra mùi hơi khó chịu, nước tiểu của chúng có thể làm “cháy” da người như a xít. Con trưởng thành có thể sống đến 10 tháng, một con cái có thể đẻ hàng trăm trứng. Trứng được đẻ thành từng ổ xếp song song thành hai đến ba hàng ở mặt dưới của lá hoặc một hàng trên cuống lá, đọt non. Trứng có hình hơi tròn, kích thu7c1 khoảng 2,5-3 ly, có màu hơi xanh nhạt hoặc vàng, khi sắp nở có màu nâu đen. Bọ xít non (ấu trùng) có 5 tuổi, khi còn nhỏ sống tập trung thành từng đám trên các đọt non, chùm hoa hay trái non thân mình chúng màu nâu nhạt, có xen lẫn những vệt màu đỏ, xanh, giai đoạn ấu trùng kéo dài khoảng 2-3 tháng. Bọ xít thường xuất hiện và gây hại nhiều vào lúc nhãn ra đọt non, ra hoa, ra trái.

cả trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa của các đọt non, cuống hoa, trái, làm cho mép lá non bị héo, cháy khô, rụng lá, bông và trái non bị khô và rụng. Ở những trái đã lớn chỗ vết chích trên vỏ trái có màu nâu, sau này nấm bệnh theo vết chích xâm nhập vào thịt trái làm cho thịt trái bị thối cục bộ, gây tổn thất nhiều cho năng suất.

Để hạn chế tác hại do bọ xít gây ra có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

- Nên “làm gốc” xử lý cho cây ra trái đồng loạt để cho nhãn ra đọt, ra hoa, ra trái tập trung trên diện càng rộng càng tốt, để phân tán bớt mật số của bọ xít.

- Vào các thời điểm bọ xít có mật số cao (khi cây ra đọt non, ra hoa, ra trái) nên thường xuyên bắt bọ xít bằng cách vào các buổi sáng sớm dùng vợt để bắt hoặc rải tấm nilon xung quanh gốc, rung cành để bọ xít rơi xuống rồi thu gom đem giết.

- Từ khi nhãn sắp ra đọt trở đi thường xuyên kiểm tra vườn để thu gom ổ trứng.

- Nếu mật độ bọ xít cao có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau đây để phun xịt: Basudin, Bassa, Bi 58, Hostathion, Cyperan, Decis…(Trước khi xịt cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên bao bì). Nên xịt thuốc vào những thời điểm có mật số ấu trùng cao, vì ở giai đoạn này chúng rất dễ bị thuốc tiêu diệt. Nhớ ngưng xịt thuốc trước khi thu hoạch trái ít nhất là hai tuần lễ

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình