Cây đu đủ bị héo rồi chết thường do hai nguyên nhân, một là bị ngập úng lâu ngày làm cho bộ rễ bị hư thối, bị huỷ hoại dẫn đến không có khả năng hút dinh dưỡng, nhất là nước nên mặc dù cây đu đủ được ngâm trong nước nhưng vẫn bị héo (kiểu như bị thiếu nước), hai là do nấm Phytophthora spp, tấn công phá huỷ bộ rễ của cây, từ đó cũng làm cho rễ không hút được nước, dinh dưỡng nên cây sẽ bị héo và chết (nếu nặng) (ảnh 41).
Theo chúng tôi hiện tượng cây đu đủ ở vườn nhà bạn bị héo chết có lẽ nguyên nhân do nấm gây ra là nhiều hơn.
Nấm Phytophthora là một loài nấm rất phổ biến ở nước ta, chúng luôn luôn có sẵn trong đất vườn và gây hại cho rất nhiều loại cây trồng khác nhau. Loài nấm này lưu tồn trong đất, trong nước. Do có nguồn gốc thuỷ sinh nên chúng ưa thích và rất cần có ẩm ướt cao để sinh sản, phát triển và gây hại. Vì thế bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại mạnh trong mùa mưa, nhất là khi nhiệt độ không khí ở mức trên dưới 30 độ C mà đất vườn bị đọng nước và trong đất lại đang có sẵn nguồn bệnh.
Đu đủ là một loại cây thân mọng nước và mềm yếu, các tổ chứa mô bảo vệ yếu, rễ đu đủ cũng mềm yếu không có tầng bảo vệ bên ngoài, nên dễ bị thương, bị xây xát, bầm dập do trong quá trình chăm sóc con người vô ý tạo ra, hoặc do một số loài côn trùng, tuyến trùng sống trong đất cắn phá tạo ra. Khi có ẩm độ thích hợp (ẩm ướt), nấm dễ dàng xâm nhập, gây hại làm cho hệ thống mạch dẫn bị huỷ hoại, mất khả năng vận chuyển nước và dinh dưỡng từ đất lên để cung cấp cho cây, làm cho cây bị thiếu hụt nước và hiện tượng héo sẽ xẩy ra. Nếu nặng và kéo dài cây sẽ không có khả năng phục hồi và bị héo rồi chết.
Để hạn chế bệnh bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Lên liếp cao và hình mai rùa để vườn không bị đọng nước mỗi khi có mưa to và mưa kéo dài, để vườn luôn khô ráo không bị ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. trong mùa mưa nếu vườn bị đọng nước, cầu xẻ rảnh trên mặt luống để nước mưa nhanh chóng thoát xuống mương.
- Với những vùng đất trũng nên đào mương vườn rộng và sâu (ở những vùng không bị nhiễm phèn) để có nhiều đất tôn cao liếp trồng, đồng thời còn có tác dụng rút bớt nước trong vùng rễ của cây mỗi khi có mưa.
- Không nên trồng quá dày, đồng thời thường xuyên vệ sinh vườn tược, làm sạch cỏ dại trong vườn và cỏ rác tủ dưới gốc đu đủ để vườn luôn được thông thoáng, khô ráo.
- Trong quá trình chăm sóc, làm cỏ…cố gắng đừng tạo vết thương xây xát cho cây, nhất là phần gốc, rễ.
- Khi vườn chớm bị bệnh cần giảm bớt lượng phân đạm. Nếu bị bệnh nặng có thể ngưng hẳn việc bón phân đạm, đồng thời bón bổ sung thêm phân lân và kali, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục cho cây (nhất là phân gà).
- Có thể dùng thuốc Aliette 80WP, Manzate 200-80WP, Manozeb 80WP) . Ridomil MZ-72 WP (hoặc BHN)..để phun xịt (chủ yếu ở phần gần dưới gốc). Trước khi dùng bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên nhãn thuốc |