Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Cách phòng trị sâu cuốn lá chuối

Qua mô tả của các bạn chúng tôi cho rằng cái con sâu đang gây hại cho cây chuối nhà các bạn là con sâu cuốn lá chuối (Erionota thrax).

Con trưởng thành của chúng là một loại bướm màu nâu, rất lớn, sải cánh rộng đến năm, sáu cm, có 3 đốm vàng ở giữa cánh trước, có khả năng bay nhanh, ban ngày chúng thường đậu “ngủ” trong các tán lá chuối, khi trời chập choạng tối mới bay ra hoạt động.

Trứng được đẻ rải rác ở gần mép của mặt dưới những lá non sắp chuyển sang giai đoạn bánh tẻ. Trứng có màu vàng nhạt hoặc hồng (lúc sắp nở). Sau khi đẻ khoảng một tuần thì trứng nở.

Khi mới nở sâu non cạp ăn biểu bì của lá, sau đó cắn đứt phiến lá thành một đường dọc theo chiều sài lá (từ phía chóp lá xuống) gần với gân chính sau đó sâu nhả tơ cuốn phần phiến lá bị cắn lại thành một cái tổ hình ống rồi nằm bên trong ăn phá phần lá bị cuốn, khi tổ sâu đã bị sâu ăn gần hết hoặc tổ sâu bị khô, sâu chui ra ngoài tiếp tục tạo tổ mới lớn hơn. Trong quá trình sống sâu thải phân ra ngay nên trong tổ thành những cục lớn cỡ hạt mè hoặc hạt đậu xanh (tuỳ theo tuổi), đúng như các bạn đã quan sát thấy, phân của sâu có màu xanh đen. Cơ thể sâu tròn như chiếc đũa ăn cơm, trên mình có phủ một lớp phấn màu trắng, đầu màu nâu đen, đẫy sức sâu có thể dài 5-6cm (ảnh 43c), và hoá nhộng ngay bên trong tổ (ảnh 43d). cái con sâu màu hơi vàng nâu, đít hơi nhọn, ít cử động mà các bạn đã thấy là giai đoạn nhộng của loài sâu này.

Nếu sâu bị hại nặng cả phiến lá có thể bị cuốn hoàn toàn, tạo ra rất nhiều tổ sâu treo tòn teng trên gân chính (ảnh 43a, 43b). Cây cối trở nên xác xơ, không còn lá để quang hợp, làm cho cây bị mất sức, buồng nhỏ, trái có thể bị lép. Nếu cây bị sâu tấn công sớm, gây hại nặng có thể không cho trái.

Qua quan sát thực tế vườn cây chúng tôi thấy loại sâu này gây hại trên giống chuối Xiêm (chuối tây), chuối Già (chuối tiêu) nhiều hơn các giống chuối khác. Trong năm sâu thường gây hại nhiều ở giai đoạn cuối mùa khô đầu mùa mưa. Những vườn chuối trồng dày, rậm rạp cũng thường bị sâu gây hại nhiều hơn các vườn khác.

Để hạn chế tác hại của sâu, các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:

- Trong quá trình chăm sóc nếu thấy tổ sâu nào thì thu gom tiêu diệt ngay con sâu trong tổ đó. Biện pháp này tuy hơi mất thời gian công sức một chút, nhưng lại mang hiệu quả rất cao.

- Ở những vườn thường bị sâu gây hại nặng, nếu thấy những đợt lá bị cuốn thì có thể sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu thông thường như : Fastac 5EC; Padan 95SP; Sherpa 10EC; Basudin 40EC…xịt ướt đều những lá đang ở giai đoạn bánh tẻ, để diệt những con sâu non vừa nở chưa kịp làm tổ chui vào bên trong.

- Nếu có thể được nên dùng vợt bắt những con bướm đang đậy “ngủ” ở tán lá (vào ban ngày).

- Không nên trồng chuối quá dày, thường xuyên tỉa bỏ lá già và những cây đã ăn buồng để vườn luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình