Rệp bông hay còn gọi là rệp sáp giả hay rệp sáp phấn thuộc ho rệp sáp phấn (pseudococcidae), bộ cánh đều (Momoptera), Theo các nhà chuyên môn thì trên cây táo thường có hai loại rệp sáp phấn gây hại, đó là Planococcus lilacinus và pseudococcidae sp. Nhưng trong đó chủ yếu là loài Planococcus lilacinus , loài này cơ thể có hình bầu dục, con cái có chiều dài khoảng 2,5-4mm, chiều rộng khoảng 0,7-3mm, rìa mỗi bên cơ thể có 18 sợi tua trắng, toàn thân phủ một lớp sáp màu trắng như bông gòn.
Con cái bám chặt vào những bộ phận non của cây để hút nhựa, một con rệp cái có thể đẻ hàng trăm quả trứng. Khi mới nở rệp non có chân để phân tán ra xung quanh, sau đó chân bị thoái hoá dần và chúng bám dính ở một chỗ để chích hút nhựa của cây cho đến khi trưởng thành. Nếu mật số cao, rệp có thể bao phủ kín xung quanh các cành non (ảnh 50), cuống trái, trái non,,,có thể làm cho trái không thể phát triển được và bị rụng, gây thiệt hại rất nhiều cho nhà vườn.
Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa cây làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây, năng suất và sản lượng trái, trong chất bài tiết của rệp bông còn chứa nhiều chất đường mật, những chất này là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển bám đen cả bề mặt của lá và những bộ phận xanh khác làm ảnh hưởng đế sự quang hợp của cây. Không những thế chất đường mật có trong chất bài tiết của rệp còn quyến rũ một vài loài kiến đến ăn, để “trả công” cho rệp kiến lại giúp rệp bằng cách tha rệp di chuyển đi đến những nơi khác, cây khác để phá hại mỗi khi nguồn thức ăn tại chỗ của rệp bị cạn kiệt, từ đó cho rệp duy trì nòi giống và ngày càng lây lan phát triển ra diện rộng.
Ngoài cây táo rệp bông còn gây hại trên nhiều loại cây khác như nhãn, na, sapoche…nênviệc phòng trị chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn. Vì thế với những nhà vườn có kinh nghiệm thì mỗi khi xịt thuốc diệt rệp cho cây táo họ cũng phun xịt diệt trừ trên cả những cây trồng khác đang có rệp trong vườn không cho chúng từ những cây khác lam trở lại cho cây táo.
Để phòng trừ rệp các bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
Không nên trồng táo quá dày, đồng thời thường xuyên, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành tược nằm khuất trong tán lá…để vườn luôn thông thoáng. Chăm sóc chu đáo để cây táo sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống đỡ với rệp.
- Thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tù xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến. Đồng thời mỗi khi xịt thuốc trừ rệp nên xịt cả thân cành để trừ kiến, nếu thấy xung quanh gốc có nhiều kiến có thể dùng thuốc Padan, Basudin hoặc Regent hột rải xung quanh gốc để tiêu diệt kiến, không cho chúng tha rệp phát tán đi nơi khác.
Kiểm tra vườn táo thường xuyên để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời, nhất là giai đoạn cây đang có đọt non, lá non, bông, trái bằng một trong các loại thuốc như: applaud 10WP; Supracid 40EC/ND; Suprathion 40EC; Dầu khoáng DC-Tron Plus 98,8EC; Bitox 40EC/50EC; Butyl 10WP; Mospilan…để giảm bớt sự ô nhiễm cho môi trường, đồng thời để giảm bớt chi phí về thuốc và công phun xịt…các bạn chỉ nên phun thuốc trực tiếp vào chỗ có rệp bu bám. Để nâng cao hiệu quả của thuốc, trước khi phun thuốc nên phun bằng nước có pha xà bông để rửa trôi bớt lớp phấn sáp bên ngoài, khi xịt thuốc, thuốc sẽ dễ tiếp xúc với cơ thể của rệp hơn. nếu có điều kiện nên dùng máy bơm nước có áp suất cao xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp đeo bám sẽ có tác dụng rửa trôi bớt rệp. nên tránh xịt thuốc vào giai đoạn trái táo già sắp chín, nếu bắt buộc xịt thì phải chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly của thuốc để không gây độc cho người ăn |