Vào những tháng mùa mưa năm 2003 vừa qua. Trên vườn Thanh Long của một số địa bàn chuyên canh loại cây này ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) như Quơn Long, Bình Phục Nhứt, Tân Thuận Bình, Thị trấn Chợ Gạo…Ốc sên đã xuất hiện và gây hại khá nặng cho cây thanh long (do đặc tính của ốc sên là thường chỉ ăn vào ban đêm nên nhiều bà con ở đây còn gọi là ốc ma). Theo bà con thì ốc sên đã có từ lâu đời, trước đây thường chỉ hay gặp ốc sên ở nơi gò mả đá, hay trong khuôn viên của những gia đình giầu có tường xây bốn phía. Chúng ăn rong rêu, đôi khi bắt gặp trên tàu lá chuối, hay thân cây cổ thụ, nhưng hiếm lắm và hầu như không đe doạ đối với cây trong. Thế nhưng vừa qua chúng sinh sôi nảy nở với mật số rất cao, gây thiệt hại cho nhiều vườn Thanh long ở đây, có những chủ vườn bị ốc sên gây thiệt hại đến hàng tấn trái.
Qua điều tra nghiên cứu thực tế vườn cây bước đầu các cơ quan chuyên môn địa phương đã có một số nhận xét như sau: Đây là loài ốc mà thức ăn của chúng chủ yếu là cây trồng, cỏ dại và xác bã hữu cơ. Chúng hoạt động vào ban đêm, nhất là vào các buổi chiều có mưa, ban ngày trú ẩn ở giữa tán cây hoặc các bụi rậm. Chúng gây hại bằng cách leo lên cây, ăn phần non của cây, hoa và trái làm cho đọt non, hoa, trái bị hư, trái bán không hoặc bán mất giá rất nhiều. Những vườn xử lý cho cây ra hoa trái vụ những vườn có nhiều cỏ dại um tùm thường có mật số ốc rất cao (khoảng 30-50 con/một gốc), còn các vườn sạch cỏ có mật độ rất thấp. Ngoài Thanh Long còn thấy ốc ăn những cây thuộc họ đậu, cải, cà chua…
Ốc trưởng thành để trứng ở những kẽ đất hoặc nơi kín đáo. Sau khi nở 3-6 tháng ốc sẽ chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Trên một vườn thường thấy hiện diện cả ba giai đoạn sinh trưởng của ốc, đó là trưởng, ốc non và ốc trưởng thành. Ốc phát triển mạnh trong mùa mưa và ở những vườn được tưới nước thường xuyên trong mùa khô.
Để hạn chế tác hại của ốc bà con nhà vườn ở đây đã áp dụng biện pháp ban đêm soi đèn thu gôm ốc bằng tay (có những vườn bắt được tới 30kg ốc một đêm). Ngoài ra bà con còn làm “bẫy”để nhử ốc tập trung lại rồi thu gom bằng cách chọn một khoảng đất trống dưới gốc cây thanh long (nếu trời không có mưa thì tưới nước cho ướt đất) rồi dùng thức ăn gia súc, cũng có thể đập vỡ những con ốc sống hoặc dùng xác bã đậu nành rắc lên trên, để nhử cho ốc tập trung lại. có người lại rấp chà dưới gốc cây thanh long rồi dùng bao đệm che phía trên tạo khoảng tối dẫn dụ cho ốc đến trú ngụ rồi thu gom. Những cách bắt thủ công thường ,ang lại kết quả rất cao, vì thuốc hoá học không diệt được ốc ma có lẽ do màng nhớt của chúng làm cho thuốc không thấm được vào bên trong cơ thể.
Ngoài ra cơ quan chuyên môn ở đây cũng đã khuyến cao bà con áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Với những vườn có nhiều cỏ dại (hiện tại bà con ở đây đang nuôi dưỡng cỏ trong vườn Thanh long để nuôi bò, dê) thì không nên để cỏ mọc quá cao mà cắt bớt để còn độ cao 5-10cm.
- Khi cây ra hoa và đậu trái nên tổ chức thu gom ốc vào sáng sớm và chiều tối.
- Dùng bao thức ăn hoặc tấm lợp che phủ xung quanh gốc Thanh Long dụ cho ốc tới trú ngụ, sáng ra thu gom ốc.
- Cho cỏ non, rau cải…vào bao thức ăn làm mồi nhử cho ốc chui vào, rồi sáng ra thu gom. |