Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
Cách phòng trị sâu đục trái mãng cầu xiêm

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà chuyên môn thì trên cây mãng cầu xiêm có đến hai loại sâu đục trái gây hại. Trong hai loại này thì loài Conoghethes punctiferalis gây hại phổ biến hơn. Ngoài mãng cầu xiêm chúng còn gây hại trên cả chôm chôm, nhãn, ổi…nên chúng thường lây lan sang nhau, vì thế việc phòng trị chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.

Con trưởng thành của loài sâu này là một loại bướm có chiều dài thân khoảng 1,2cm, sải cánh rộng khoảng 2,5cm, màu vàng rơm, trên cánh có nhiều chấm nhỏ màu đen. Hoạt động chủ yếu vào ban đêm, ban ngày ẩn lấp trong tán lá. Mỗi con cái có thể đẻ khoảng hai, ba chục trứng trên vỏ trái, trứng có hình bầu dục dài khoảng 2-2,5mm, màu trắng sữa hoặc vàng lợt. Sau khi đẻ khoảng 5 ngày trứng nở ra sâu non.

Sâu non có màu hồng lợt, đầu màu nâu, trên lưng có nhiều chấm nhỏ màu đen, đẫy sức  sâu dài khoảng 2cm (ảnh 65a). Và làm nhộng trên vỏ trái. Nhộng có màu vàng nâu và dài hơn 1cm.

Sâu gây hại từ khi trái còn non cho đến khi sắp thu hoạch. Nếu còn non đã bị hại thì bị biến dạng và rụng sớm. Nếu trái đã lớn mới bị sâu tấn công thì trái vẫn tiếp tục phát triển, nhưng vùng bị sâu gây hại không phát triển được, trong khi những chỗ khác vẫn phát triển bình thường, phình to dần ra nên đã làm cho trái bị méo mó, không lây đều (ảnh 65b). Chỗ bị hại bị hư hỏng, khô chai, hoặc bị thối nếu gặp nước và vi sinh vật xâm nhiễm sau đó, khi thối trái sẽ bị rụng. Những trái bị sâu hại dù không bị rụng, bị thối thì cũng thường khó bán hoặc không ăn được. Gây thất thu rất lớn cho nhà vườn. Sâu gây hại phổ biến ở những vùng trồng mãng cầu xiêm, nhất là những vùng trồng tập trung chuyên canh loại cây này.

Để hạn chế tác hại của sâu, các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:

- thường xuyên làm vệ sinh vườn tược, xén tỉa những cành bị sâu bệnh, những cành không cho trái nằm khuất trong tán cây…để cho vườn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ và để dễ phát triển con trưởng thành, từ đó có biện pháp diệt trừ.

- Nếu có thể được sau khi tượng trái các bạn xịt một đợt thuốc trừ sâu (bằng một trong những loại thuốc trừ sâu sẽ nêu dưới đây) để diệt những con sâu đang có mặt trên vỏ trái, chờ khoảng 2-3 ngày sau dùng bao giấy, bao nilon, bao chuyên dùng…bao trái lại, cách làm này còn có tác dụng hạn chế rệp sáp, một đối tượng cũng thường xuyên gây hại cho trái.

Thu gom những trái đã bị sâu đem chôn hoặc tiêu huỷ để tiêu diệt sâu bên trong hạn chế sâu di chuyển sang phá những trái bên cạnh, và hạn chế sâu của các đợt sau.

- Nếu vườn nhà bạn thường bị sâu gây hại nặng mà không áp dụng biện pháp bao trái được thì sau khi trái vừa tượng bạn nên phun xịt một đợt thuốc bằng một trong các loại thuốc như: Bian 40EC; Sherpa 10EC hoặc 25EC; Visher 25EC; Padan 90SP; Ofatox 50EC; Selecron 500ND; Decis 2,5EC…Sau đó khoảng 10-15 ngày phun tiếp lần 2. Nếu sâu vẫn còn có thể phun thêm một vài lần nữa, nhưng nhớ phải ngưng xịt thuốc trước khi thu hoạch ít nhất là 2 tuần để không gây độc hại cho người ăn

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình