Qua mô tả khá kỹ của cháu, kết hợp với thực tế mà chúng tôi đã quan sát được trên vườn xoài, chúng tôi cho rằng con sâu rầy hại trên cây xoài nhà cháu có lẽ là con rầy bông xoài. Chúng có tên khoa học là: Idioscopus clypialis và I.Niveospasus.
Cùng với những đối tượng khác như sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, bệnh thối trái, sâu đục chồi non…thì rầy bông xoài cũng là một đối tượng rất nguy hiểm cho cây xoài nếu không phát hiện và có biện pháp diệt trừ kịp thời thì vườn xoài có thể bị gây hại nặng . Thực tế cho thấy có những vườn xoài ra bông rất nhiều nhưng chỉ đậu loe ngoe được vài trái, thậm chí không đậu được trái nào cũng là do con rầy này.
Đúng như cháu đã quan sát và mô tả, con trưởng thành của chúng có hình dạng giống như con ve sầu, nhưng nhỏ hơn, (dài khoảng 3-5mm), màu xanh lợt hoặc xanh đậm. Bình thường sống ở lá xoài, nhảy xào xạc khi có động, đến khi xoài có chồi non, có bông thì di chuyển đến chích hút nhựa của đọt non, mặt dưới lá non và phát hoa.
Rầy cái đẻ trứng rài rác vào bên trong cuống của chồi non, trong gân lá hay cuống của phát hoa. Khoảng một tuần sau trứng nở, ấu trùng bu bám và chích hút trên cuống hoa, chồi non. làm cho lá non không phát triển được, lá bị cong, rìa mép lá bị khô, hoa bị khô rụng. Sau khi tượng trái nếu bị hại nặng trái non cũng có thể bị rụng hàng loạt, thậm chí không thể đậu trái nào như cháu đã thấy. Chất thải của rầy làm cho nấm bồ hóng phát triển đen trên cuống hoa và trên bề mặt lá, làm cản trở quá trình quang hợp của cây, cây sẽ phát triển kém. Như vậy ngoài việc chích hút nhựa cây gây hại một cách trực tiếp thì rầy bông xoài còn gây hại một cách gián tiếp thông qua bệnh bồ hóng. Rầy thường xuất hiện và gây hại nhiều trong mùa khô, vào mùa mưa rầy hại không nhiều.
Để phòng trị loại rầy này, cháu có thể tiến hành một số biện pháp sau đây:
- Sau mỗi vụ thu hoạch cần vệ sinh vườn tược sạch sẽ, xen tỉa cành lá để vườn xoài luôn thông thoáng, hạn chế sự phát triển của rầy.
- Ở những vườn thường xuyên bị rầy gây hại hàng năm, mỗi khi cây xoài ra đọt lá non, ra bông hoặc khi thấy mật độ rầy cao, cháu có thể phun xịt một trong những loại thuốc như bassa 50ec; applaud 10WP hoặc 25SC; basudin 40ec; trebon 10ec; sevin 43FW; applaud-bas 27BTN…sau khi xịt nếu thấy mật số rầy vẫn cón cao thì có thể xịt tiếp một vài đợt nữa, mỗi đợt cách nhau khoảng 5-7 ngày. Tốt nhất là phun ngừa sớm khi xoài vừa ra đọt hoặc lú bông mà thấy có nhiều rầy trú ẩn trong tán lá.
- Khi xoài sắp ra đọt non, nếu quan sát thấy có nhiều rầy trưởng thành trú ẩn ở trong tán lá thì nên xịt thuốc phòng ngừa một lần |