Trên trái xoài có há nhiều loại sâu bệnh hại như sâu đục trái, ruồi đục trái, rệp sáp, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng, bệnh thối trái…nhưng qua mô tả của các bạn chúng tôi đoán rằng có lẽ cây xoài ở chỗ các bạn đã bị bệnh đốm đen vi khuẩn. Bệnh do vi khuẩn xanthomonas campestris pv.mangiferaeindicae gây ra.
Đúng như các bạn phản ánh, bệnh này đã phát sinh và gây hại tương đối phổ biến trong vài năm gần đây ở các vùng trong xoài của các tỉnh Nam bộ. Có lẽ các bạn chưa quan sát kỹ hoặc chưa mô tả hết chứ thực ra ngoài trái bệnh còn gây hại trên cả bộ lá của cây xoài.
- Trên là: vết bệnh là những đốm xám đen có góc cạnh giới hạn bới các gân phụ của lá, về sau vết bệnh bị rách làm cho lá bị thủng. Nếu nặng lá sẽ bị thủng lỗ trỗ rất nhiều, rách te tua, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quang tổng hợp của cây.
- Trên trái: ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ như vết kim châm màu thâm đen trên vỏ trái, sau đó phát triển dần nổi u lên thành những vết sẹo sần sùi màu nâu đen, xám đen hoặc đen, kích thước vết bệnh to hoặc nhỏ và khối u cao hay thấp ở mỗi vết bệnh không giống nhau. Đúng như các bạn đã thấy thỉnh thoảng cũng có những trái có nhiều vết bệnh nối liền lại với nhau một hàng dài chạy suốt từ đầu đến cuối trái. Nếu nặng có thể làm cho trái bị nứt, bị rụng. Nguồn bệnh lây lan, phát tán nhờ giọt nước mưa, nước tưới, côn trùng, dao kéo cắt tỉa cành lá, hoặc dụng cụ ghép, tháp…Vi khuẩn xâm nhập vào mô lá thông qua những vết thương cơ giới, qua khí khổng hoặc thông qua những vết cắn, chích của côn trùng mang mầm bệnh từ cây bệnh sang cây khoẻ…
Khi cây đã bị bệnh thì rất khó chữa trị, vì thế để hạn chế tác hại của bệnh các bạn cần phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa sớm. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Thiết kế liếp trồng hình mai rùa, cao ráo thoát nước tốt trong mùa mưa để hạn chế ẩm độ trong vườn.
- Không nên trồng xoài quá dày, để vườn luôn được thông thoáng.
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, nên bón thêm phân hữu cơ đã hoài mục để tăng cường sức chống đỡ bệnh cho cây. Khi cây đã bị bệnh nên bón thêm phân kali.
- Không nên lấy giống (mắt ghép, cành ghép, cành chiết…) ở những cây đã bị bệnh.
- Không nên sử dụng những cây giống khi phát hiện có những biểu hiện đã bị bệnh trên lá.
- Với những vườn nằm ở vùng trống trải, gió nhiều nên trồng cây chắn gió.
- Với những cây, những vườn đã có biểu hiện bị bệnh thì không nên tưới nước theo kiểu phun mưa sẽ dễ dàng làm cho bệnh lây lan từ những lá, trái tầng trên xuống những lá trái phía dưới thấp.
- Thường xuyên kiểm tra vườn xoài để thu gom những trái, những lá đã bị bệnh đưa ra khỏi vườn rồi tiêu huỷ để hạn chế nguồn bệnh. Chú ý không được vứt bỏ những lá trái bị bệnh xuống mương chứa nước tưới vườn. Nếu làm tốt biện pháp này sẽ có hiệu quả phòng ngừa rất cao.
- Áp dụng những biện pháp thích hợp để phòng trị các loại sâu ăn lá, vì vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào lá thông qua các vết cắn phá của loại sâu này.
- Ở những vườn thường hay bị bệnh có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Copper-B 75WP, Copper-zinc 85WP, Tilt super 300EC, Champion 77WP, Vidoc 80BTN, Starner 20WP, COC 85WP, Kocide 61,4DF, Kasuran 47WP… để phun xịt vào lúc cây đang phát triển lá, khi cây đậu trái thì định kỳ 2 tuần phun một lần cho đến khi trái già chín. Với những vườn đang bị hại nhiều có thể dùng một trong vài loại thuốc như: Kasuran 47WP, Kasumin 2L…để phun trị bệnh. Liều lượng và cách sử dụng thuốc các bạn có thể đọc hướng dẫn có in trên vỏ bao bì |