Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Sâu vẽ bùa hại cây Bưởi

Qua mô tả chúng tôi cho rằng cây bưởi nhà cháu đã bị con sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella) gây hại, có người còn gọi là sâu đục lá non. Đây là một đối tượng rất quan trọng , chúng xuất hiện và gây hại khá phổ biến, và đôi khi rất trầm trọng trên các vườn cây có múi, trong đó có cây bưởi đang ở thời lì ra lá non, nhất là vào dịp giao mùa (cuối mùa khô đầu mùa mưa) hoặc vào những thời điểm sau làm gốc để xử lý cho cây ra trái theo ý muốn.

Con trưởng thành của sâu là một loại bướm rất nhỏ, cơ thể dài khoảng 2mm, sải cánh rộng khoảng 4-5mm, màu vàng nhạt hoặc nâu sáng, có ánh bạc. Chúng thường hoạt động vào lúc xẩm tối hoặc ban đêm nên nhà vườn khó phát hiện.

Trứng rất nhỏ (dài khoảng 0,2-0,3mm), màu trong suốt hoặc hơi vàng. Được đẻ vào ban đêm, rải rác ở mặt dưới của lá gần gân chính.

Sau khi nở sâu non đục vào ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục ở dưới lớp biểu bì của phiến lá, làm thành những đường hầm ngoằn nghèo, làm cho biểu bì lá phồng lên. Sâu đục tới đâu lớp biểu bì phồng lên tới đó vẽ thành những đường ngoằn nghèo có màu trắng lóng lánh như ánh bạc. Tuổi sâu càng lớn thì đường đục càng dài và rộng. Ngoài lá còn thấy sâu gây hại trên cả cành non. Có thể nhìn thấy sâu non rất nhỏ (vài mm) màu xanh lợt (lúc mới nở) hoặc xanh vàng, trắng hơi vàng (khi tuổi lớn hoặc lúc sắp hoá nhộng) ở cuối đường hầm.

Khi đẫy sức sâu chui ra ngoài làm nhộng ở một bìa lá bị cuốn lại mặt dưới phiến lá, gần cuống . Nhộng có màu vàng nhạt hoặc màu nâu khi sắp vụ hoá. Vòng đời của sâu ngắn (khoảng trên 2 tuần).

Những lá bị sâu gây hại sẽ không phát triển được, co rúm, quăn queo, dị dạng (ảnh 99), từ đó làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm cho cây chậm tăng trưởng , nhất là những cây còn đang ở giai đoạn vườn ươm, hoa và trái dễ bị rụng. Ngoài gây hại trực tiếp, các vết đục của sâu còn là cửa ngõ cho vi khuẩn của bệnh loét xâm nhập gây hại. Qua quan sát  thực tế cho thấy sâu thường gây hại nhiều ở những vườn cây còn nhỏ (khoảng 3-4 năm tuổi). Tác hại của sâu có chiều hướng gia tăng trong vài năm gần đây).

Để phòng trừ loài sâu này cháu có thể thực hiện một số biện pháp sau:

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng thật tốt, điều khiển cho cây ra đọt tập trung, để hạn chế nguồn thức ăn liên tục cho sâu trên vườn cây. Nếu vận động được nhiều nhà vườn cùng áp dụng trên diện rộng thì biện pháp này sẽ có hiệu quả rất tốt.

- Để bảo vệ thiên địch chỉ nên xịt thuốc khi trên cây có khoảng 10% số lá bị sâu gây hại trở lên. Về thuốc có thể sử dụng một số loại thuốc như: Confidor; trebon; Bi-58; Bian; Sherpa; Lannate; Cyper; DC-Tron Plus…sau khi xịt đợt 1 có thể xịt thêm 1-2 đợt nữa, mỗi đợt cách nhau khoảng 5-7 ngày

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình