Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Bệnh đốm đen trái Bưởi và cách phòng trị

Qua mô tả chúng tôi đoán rằng trái bưởi nhà bạn có lẽ đã bị nhiễm bệnh đốm đen, bệnh này do nấm Diaporthe citri gây ra. Ngoài cây bưởi ( là cây thường bị bệnh gây hại nhiều nhất) bệnh còn gây hại trên nhiều cây thuộc nhóm cây có múi như cam, quýt, chanh, tắc…Có lẽ do bạn chỉ chú ý  đến trái mà không quan sát thêm, chứ thực ra ngoài trái chúng còn tấn công cả lá và cành non.

Trên trái: Ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm tròn có kích thước khoảng 1 ly xuất hiện trên vỏ của trái còn non, sau đó phát triển rộng dần ra, màu vàng lợt, ở giữa có màu xám, nếu nặng nhiều vết hoà lẫn vào nhau tạo thành mảng lớn. Từ các vết bệnh này sẽ xuất hiện các u nổi lên và chảy ra các giọt dịch màu vàng nâu, sau đó thành màu nâu dính trên vỏ trái. Nếu nặng có thể làm cho vỏ trái bị chai sượng, cùi vỏ bị nứt, có màu tím đậm lỗ trỗ, vỏ trái chuyển dần ang màu vàng úa và bị rụng sớm, hoặc bị chín ép. nếu bệnh tấn công trễ khi trái đã già thì vỏ trái trở nên cứng tép bưởi bị khô, chất lượng giảm, có khi không ăn được.

Trên lá: Cũng giống như trên vỏ trái, ban đầu vết bệnh cũng chỉ là những chấm nhỏ hình tròn kích thước khoảng 1ly trên mặt của lá non, sau đó phát triển dần và chuyển thành màu vàng lợt, ở giữa có màu xám. Trường hợp bị nhiễm nặng nhiều vết liên kết lại với nhau thành những mảng lớn làm cho chỗ bị bệnh chết khô, nếu nặng lá có thể bị rụng sớm khiến cây xơ xác, còi cọc, cho năng suất và phẩm chất trái kém.

Bệnh thường phát sinh, phát triển, lây lan và gây hại nhiều trong điều kiện thời tiết ẩm thấp (ẩm độ không khí cao) vì thế đúng như bạn đã viết trong thư bệnh thường gây hại nhiều hơn trong mùa mưa.

Nguồn bệnh tồn tại trên những bộ phận của cây bị bệnh, sản sinh rất nhiều bào tử ở đây rồi phát tán ra xung quanh bám dính lên những cây khác, gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nóng ẩm) bào tử sẽ nẩy mầm xâm nhập vào những bộ phận của cây để gây hại.

Để hạn chế bệnh bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:

- Lên liếp cao hình mai rùa, đồng thời xẻ rãnh thoát nước trên mặt liếp…để vườn bưởi không bị đọng nước trong mùa mưa, gây ẩm ướt cho vườn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh, phát triển.

- Không nên trồng quá dày, thường xuyên tỉa bỏ những nhánh, lá không cần thiết để tạo cho vườn luôn thông thoáng, khô ráo.

- Phải trồng bằng cây giống sạch bệnh để không có nguồn bệnh ban đầu lây lan cho vườn bưởi sau này.

- Thường xuyên kiểm tra vườn bưởi để kịp thời phá hiện và thu gom  những bộ phận bị bệnh (nếu có thể được) đưa ra khỏi vườn đem chôn hoặc tiêu huỷ để giảm bớt nguồn bệnh trong vườn)

- Vào màu mưa không nên tủ cỏ rác, rơm rạ…xung quanh gốc bưởi, để xung quanh gốc bưởi luôn khô ráo, thông thoáng.

- Khi cây đã bị bệnh nên giảm phân đạm, tăng cường thêm phân kali và phân lân.

- Thường xuyên kiểm tra vườn bưởi để kịp thời phát hiện bệnh khi thấy bệnh chớm phát sinh (hoặc ở những vườn bị bệnh gây hại mỗi khi cây ra lá  non, trái non), có thể sử dụng một trong những loại thuốc sau đây để phun xịt: Bemyl 50WP; Viben 50BHN; benzeb 70WP, COC 85WP; Zincopper 50WP; Copper-Zinc 85WP; Benlate 50WP; Tilsuer 300ND

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình